Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện bệnh tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Thanh Hóa.
Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi do vận chuyển lợn từ vùng dịch của các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng; đồng thời để tăng cường kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn lưu thông trên tuyến đường QL1 và tuyến đường HCM, ngày 1/3 Sở NN & PTNT Quảng Trị vừa có Tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên QL1 (tại xã Vĩnh Chấp) và đường Hồ Chí Minh (tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh). Thành phần tham gia tại chốt kiểm dịch gồm: Chi cục Chăn nuôi Thú y, CSGT, Quản lý thị trường.
Trước đó, ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi. Ngày 22/2, Bộ NN & PTNT cũng đã có Công điện khẩn số 1237/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 – 17/2/2019 đã có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới Việt Nam).
Cũng liên quan đến các hoạt động nhằm hạn chế bùng phát dịch tả lợn châu Phi, tại Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa có Công điện hỏa tốc số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, TP Huế thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ cao, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới; khẩn trương phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương.
Trần Giang(T/h)