Ngành hàng không đang "sưởi ấm" trái đất

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Hoá học và Vật lý Khí quyển thuộc Liên minh khoa học địa chất châu Âu (EGU), các tác động tiêu cực của khí thải máy bay lên nền nhiệt toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050.
Quyết liệt chống biến đổi khí hậu, nước Anh đưa ra chiến lược tài chính mớiMưa đá nhấn chìm thành phố Mexico dưới lớp băng gần 2 mLiên hợp quốc kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu

Ngành hàng không đang "sưởi ấm" trái đất

Các nhà khoa học cho biết, khí thải từ động cơ phản lực là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ngành hàng không thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Những nỗ lực hiện tại nhằm hạn chế tác hại của ô nhiễm máy bay chỉ như "muối bỏ bể".

nganh hang khong dang suoi am trai dat nhu the nao
Khí thải từ động cơ máy bay gây ra hiện tượng mây "bẫy nhiệt". Ảnh: Flickr Tsuna72.

Khi những phi cơ cất cánh bay, chúng thường “vẽ” lên bầu trời những vạch trắng. Những vạch trắng này chính là khí thải từ động cơ phản lực. Sau khi ra khỏi ống xả, chúng khiến các hạt nước ngưng đọng, đóng băng rồi tụ lại trong mây, gây nên hiệu ứng "bẫy nhiệt" làm mặt đất nóng lên. Nếu các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay không thay đổi thiết kế hoặc mô hình giao thông, những tác động tiêu cực này sẽ tăng gấp ba vào năm 2050.

Bà Ulrike Burkhardt - nhà khoa học của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Với mật độ giao thông hàng không ngày càng tăng như chúng ta thấy hiện nay, giới khoa học gần như không kịp trở tay với tác động của nó lên môi trường.”

Theo đó, vận tải hàng không ảnh hưởng đến khí hậu theo hai cách riêng biệt: thông qua lượng khí nhà kính được giải phóng khi máy bay đốt nhiên liệu và hiệu ứng "bẫy nhiệt" từ các đám mây được hình thành bởi các hạt nước đóng băng.

Những đám mây này có thể tồn tại hơn nửa ngày. Trong điều kiện khí quyển nhất định, chúng có thể hợp nhất và trôi xa tới hàng ngàn dặm, mở rộng tầm ảnh hưởng của hiệu ứng mây "bẫy nhiệt" trên toàn khu vực.

Bà Burkhardt nói: "Mọi người thường nghĩ mây sẽ làm mát mặt đất. Nhưng điều này chỉ đúng với các đám mây tầm thấp. Những đám mây ở tầm cao thì chỉ khiến nhiệt độ tăng thêm do các phản ứng quang học". Nếu xét ngắn hạn, tác hại của các đám mây "bẫy nhiệt" này còn kinh khủng hơn lượng khí nhà kính thải ra từ máy bay.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện tượng này tại châu Âu và Bắc Mỹ diễn ra mạnh hơn tại các khu vực khác. Tuy nhiên, chúng sẽ nhanh chóng “chiếm đóng” bầu trời châu Á khi du lịch hàng không ngày càng phát triển. Từ năm 2005, ngành vận tải hàng không đã gây ra khoảng 5% hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Khoa học lên tiếng

Ngành hàng không thương mại thế giới hiện đang đặt ra mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2050 so với mức đo được từ năm 2005. Tuy nhiên, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào để giải quyết hiện tượng mây "bẫy nhiệt" do máy bay gây ra.

Nghiên cứu cũng cho thấy, hạn chế ô nhiễm bồ hóng (chất sinh ra từ khí thải động cơ và dầu thực vật) là cách tốt nhất để giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành hàng không lên khí hậu.

Bà Burkhardt giải thích, giảm lượng hạt bồ hóng sinh ra từ động cơ máy bay có thể làm giảm tinh thể băng trong các đám mây, giúp chúng mỏng, nhẹ hơn và không còn đủ sức để "om" nhiệt làm nóng mặt đất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2050 là rất khó, ngay cả khi cắt giảm 90% lượng bồ hóng hiện nay.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các phương án khác, như: điều chỉnh rút ngắn đường bay, sử dụng nhiên liệu thay thế, hạ thấp độ cao để tránh các khu vực dễ hình thành mây "bẫy nhiệt",… Để đạt được hiệu quả tốt nhất, chính quyền các nước, ngành hàng không quốc tế, hãng vận tải, giới khoa học cần chung tay hành động và đưa ra kế hoạch đồng bộ.

Ông Peter Kalmus - một nhà khoa học khí hậu của Phòng Thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA đã sáng lập một trang web kêu gọi mọi người đi máy bay ít hơn. Ông từng khẳng định: "Khi chưa thể tìm ra nhiên liệu thay thế khả thi cho máy bay, điều đầu tiên cần làm là mở rộng hiểu biết của công dân thế giới về tác động của ngành hàng không lên môi trường và nỗ lực của các chuyên gia nhằm giảm khí nhà kính".

Có một sự thật rằng, trong cả hiện tại và tương lai, du lịch hàng không sẽ phát triển không ngừng. Ông Bill Hemmings – Giám đốc Vận tải và Hàng không của Tổ chức phi chính phủ Vận tải và Môi trường cho biết: "Vấn đề carbon của ngành hàng không hiện nổi cộm như con voi trong căn phòng nhỏ mà không ai muốn đề cập đến vì sự phức tạp của nó. Để thay đổi theo hướng có lợi cho môi trường, các hãng hàng không sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về tài chính, kinh tế, an toàn bay…"

Ông Hemmings nói thêm: "Đối với các hãng hàng không, khoa học không thể đảm bảo bất cứ điều gì. Đây là quan điểm cố hữu của họ. So với các chỉ số kinh tế rõ ràng trên mặt giấy, những thí nghiệm khoa học chỉ là thứ gì đó rất mơ hồ. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu mới sẽ thúc đẩy các nhà lập pháp châu Âu phải vào cuộc".

Tại Mỹ, Cục bảo vệ Môi sinh EPA cũng đang đề xuất các quy tắc mới về phát thải máy bay thương mại. Trong đó, kết quả nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng để tăng cường sức mạnh pháp lý.

Theo ông David Fahey - Giám đốc Phòng Hoá học thuộc Trung tâm nghiên cứu hệ thống Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ, tuy lượng khí thải hàng không nhỏ so với phát thải từ công nghiệp và sinh hoạt, nỗ lực cắt giảm vẫn rất quan trọng. Bởi với tình hình phức tạp như hiện tại, dù chỉ giảm được 1 tấn carbon hay 1/10 độ C cũng là đáng quý.

Với những nhà khoa học hoạt động nghiên cứu thuần tuý, phương án tốt nhất vẫn là giảm nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của con người. Ông Kalmus lập luận: "Chúng ta nên có tư duy mới về du lịch. Hãy dành nhiều thời gian để đi đường bộ hoặc tàu thuỷ. Điều đó sẽ giúp chúng ta có những chuyến đi ý nghĩa hơn, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường".

Diệu Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết