Ngành Tài nguyên và Môi trường: Từng bước đi lên vững chắc

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Bộ TN&MT, PGS.TS. Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, thuộc Bộ TN&MT) đã có đôi dòng chia sẻ về những năm tháng sống và làm việc trong lĩnh vực môi trường. Trong hơn 4 thập niên qua, PGS.TS. Trương Mạnh Tiến đã luôn sống bằng tình yêu tha thiết với môi trường, thiên nhiên đất nước, bằng nhiệt huyết, đam mê, cống hiến hết mình cho sự nghiệp BVMT Việt Nam. Tạp chí Môi trường xin trân trọng giới thiệu những chia sẻ của PGS.TS. Trương Mạnh Tiến nhân kỷ niệm 15 ngày thành lập Bộ TN&MT.
Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam bổ nhiệm một Phó Chủ tịchVIASEE ra mắt trang điện tử Kinh tế XanhNền kinh tế xanh - Cơ hội cần nắm bắt
nganh tai nguyen va moi truong tung buoc di len vung chac
PGS.TS. Trương Mạnh Tiến.

Cuối năm 1974, như các bạn đồng khóa học tại Trường Đại học Dầu - Hóa Bacu, Liên Xô (cũ), tôi về nước. Đất nước vẫn trong những ngày chiến tranh ác liệt. Tôi được phân công về công tác tại Tổng cục Địa chất, nhưng rồi như một cơ duyên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã nhận tôi về công tác tại Vụ Điều tra cơ bản - đây là bước khởi đầu định mệnh cho hành trình gắn bó với lĩnh vực môi trường sau này.

Vụ Quản lý Khoa học và Kỹ thuật về điều tra tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên (gọi tắt là Vụ Điều tra cơ bản) được thành lập: bước khởi đầu quan trọng

Năm 1975, đất nước thống nhất, các khối quản lý có quyết định chuyển thành các vụ trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Vụ Điều tra cơ bản được tham gia quản lý lĩnh vực TN&MT. Nhưng vào thời điểm này, khái niệm môi trường còn quá xa lạ nên gọi là điều kiện tự nhiên. Nhiều nhiệm vụ được giao Vụ đã hoàn thành, đặc biệt là tổ chức quản lý các chương trình điều tra tổng hợp: Tây Bắc; Tây Nguyên; các tỉnh ven biển miền Trung (từ Thuận Hải - Minh Hải); đồng bằng sông Cửu Long; tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Những số liệu, tài liệu, tư liệu của các chương trình là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng các kế hoạch hàng năm, 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề TN&MT ngày càng trở nên cấp thiết đối với đất nước ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Điều này được phản ánh trong cuốn sách “TN&MT Việt Nam” xuất bản năm 1984 của tập thể tác giả Vụ Điều tra cơ bản và như một dự báo cho sự hình thành cơ quan cấp Bộ với tên gọi này về sau!

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được thành lập: Cột mốc mới cho lĩnh vực TN&MT

Năm 1992, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) đã được thành lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX. Hai từ "môi trường" lần đầu tiên chính thức xuất hiện trong tên gọi của một cơ quan cấp Bộ ở Việt Nam. Cục Môi trường được thành lập trực thuộc Bộ KHCN&MT. Trong 10 năm từ 1992 - 2002, rất nhiều việc quan trọng về công tác BVMT đã được thực hiện, trong đó có việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật BVMT năm 1993; Chiến lược BVMT và phát triển lâu bền, năm 1995; Chương trình Hành động bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), năm 1995… Đồng thời, tất cả Sở KHCN&MT ở các địa phương trên cả nước cũng đã được thành lập. Kể từ đó, công tác quản lý nhà nước về TN&MT đã có bước phát triển vượt bậc và ngày càng đi vào nề nếp, tăng hiệu lực, hiệu quả. Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên có lực lượng thanh tra chuyên ngành môi trường. Nhiều đoàn thanh tra diện rộng liên ngành đã được tổ chức định kỳ hàng năm, với công cụ đắc lực là Luật BVMT năm 1993 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, qua đó giúp công tác quản lý nhà nước về BVMT lan tỏa, tác động trên khắp đất nước.

Năm 1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ đã được đề ra cụ thể, rõ ràng tại Chỉ thị số 36/1998/CT-TW của Bộ Chính trị. Từ đó, công tác BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên đã được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện, tạo ra hiệu ứng tích cực trong sự nghiệp BVMT đất nước.

Bộ TN&MT từng bước đi lên vững chắc

Nhận thấy “chiếc áo khoác” cho công tác quản lý TN&MT đã quá chật. Năm 2002, Quốc hội quyết định thành lập Bộ TN&MT (bao gồm: Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn; Cục Môi trường từ Bộ KHCN&MT; Cục Địa chất từ Bộ Công nghiệp; một bộ phận của Cục Thủy lợi từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ngành TN&MT chính thức có một cơ quan cấp Bộ có tên gọi như cơ quan chuyên môn ở phần lớn các quốc gia khác và đó cũng là điều mà tiêu đề của cuốn sách TN&MT Việt Nam (năm 1984) đã thể hiện! Thật vi diệu! Thật ngưỡng mộ vì điều này đã được dự báo từ gần 20 năm trước.

Chắc chắn có nhiều bài viết nhân sự kiện này, riêng tôi chỉ nêu rất sơ lược về một số điều mà tôi tâm đắc trong mảng nhiệm vụ BVMT và ở nội dung này, cũng chỉ nêu khái quát việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT. Ngay khi Bộ mới thành lập, Ban Cán sự mới đã ngay lập tức xây dựng cơ cấu tổ chức và hoạt động của Bộ, cũng như các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ, đồng thời, ổn định nơi làm việc, triển khai các hoạt động nhiệm vụ, chuyên môn… Tuy nhiên, đáng ghi nhận nhất là sự chỉ đạo sát sao ngay từ những ngày tháng đầu trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách chiến lược làm nền tảng định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán, lâu dài trong lĩnh vực môi trường.

nganh tai nguyen va moi truong tung buoc di len vung chac
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Bộ TN&MT tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Bộ TN&MT, ngày 5/8/2012.

Đầu năm 2003, thực hiện mảng môi trường có 3 đơn vị: Vụ Môi trường; Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường; Cục BVMT. Cũng ngay trong năm 2003, Bộ đã xây dựng 2 Nghị định trình Chính phủ ban hành, đó là Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải và Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn đất ngập nước. Năm 2004, Bộ đã chủ trì xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41 - NQ/TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước (đáng chú ý là Nghị quyết ghi rõ ngân sách nhà nước dành 1% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực môi trường và có riêng nguồn sự nghiệp môi trường; mức này sẽ tăng dần theo sự tăng trưởng của nền kinh tế). Năm 2005, Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật BVMT thay thế Luật BVMT năm 1993. Năm 2008, Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật ĐDSH (thời điểm này chỉ rất ít quốc gia trên thế giới có Luật này). Năm 2013, Bộ chủ trì xây dựng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và BVMT. Đến năm 2014, Bộ tiếp tục xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật BVMT, với những điều khoản được hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Mỗi Luật được ban hành là hàng loạt các nghị định hướng dẫn thi hành và hệ thống các văn bản dưới Luật đi kèm. Bên cạnh đó, các văn bản chiến lược, chính sách về BVMT có tầm nhìn xa; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đã được xây dựng và ban hành.

Nhiều thành tựu trong 15 năm qua mà Bộ TN&MT đã đạt được ở cả 8 lĩnh vực được giao quản lý. Ở đây, tôi chỉ điểm lại sơ qua những văn bản lớn, quan trọng như trên. Chúng tôi thực sự tự hào là cán bộ tham gia trực tiếp vào lĩnh vực môi trường, mà cá nhân tôi đã “theo đuổi” từ những năm 70 của thế kỷ trước và vẫn tiếp tục cho đến nay, dù đã nghỉ hưu.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ TN&MT, chúc ngành TN&MT, ngày càng phát triển bền vững.

Theo Tạp chí Môi trường số 7/2017