Anh Lou Klein, 31 tuổi, sống tại Nam Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) đăng ký tham gia chiến dịch “Chạy vì không khí sạch” bắt đầu từ ngày 18/4. Nhưng kế hoạch thay đổi do nước Mỹ đang áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế hoạt động và đi lại nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Thay vì tham gia chạy tập thể ngoài trời như mọi năm, năm nay anh Klein sẽ chạy ở nhà và “khoe” thành tích của mình trên mạng.
Đây là một trong nhiều hoạt động được tổ chức trực tuyến nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ "hành tinh Xanh" nhân Ngày Trái Đất 22/4.
Khói bốc lên từ đám cháy rừng ở Perth, Australia ngày 13/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 – 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất. Giới khoa học cảnh báo rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động của con người, như tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, tiếp tục tăng, là nguyên nhân chính của tình trạng nóng lên toàn cầu, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng bao gồm cả băng tan, mực nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, hệ sinh thái bị hủy diệt, dịch bệnh…
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo UNEP, lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm 7.6% trong năm 2020 và tiếp tục giảm khoảng 7,6% mỗi năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C như cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt là lượng khí thải làm nhiệt độ toàn cầu nóng lên đã tăng trung bình 1,5%/năm trong thập niên qua, lên tới mức kỷ lục 55,3 tỉ tấn CO2, hay tương đương với lượng khí thải vào năm 2018.
Năm 2020 đánh dấu tròn 50 năm kể từ khi sự kiện Ngày Trái Đất lần đầu tiên được tổ chức, cũng là năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được các nước ký kết 5 năm trước tại thủ đô nước Pháp, chính thức có hiệu lực. Với chủ đề “Hành động vì khí hậu”, Ngày Trái Đất năm nay đặt ra vấn đề nhức nhối nhất của nhân loại: con người có thể không đạt mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5 độ, dẫn tới thảm họa khí hậu khôn lường, trừ khi có một sự thay đổi chưa từng có và mang tính phối hợp toàn cầu.
Ông Denis Hayes - người đứng đầu tổ chức Ngày Trái Đất đầu tiên năm 1970 và là đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Mạng lưới Ngày Trái Đất, cho biết dù việc tổ chức Ngày Trái Đất đã góp phần đáng kể thúc đẩy thay đổi nhận thức và các hành động tiến bộ về bảo vệ môi trường, nhưng hiện “hành tinh Xanh” phải đối mặt với thách thức môi trường toàn cầu thậm chí còn khủng khiếp hơn, từ mất đa dạng sinh học đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa…
Cảnh vắng vẻ tại các tuyến phố ở Paris, Pháp ngày 6/4/2020 khi lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch Covid-19 được ban bố. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới được xem như “một lời nhắc nhở nghiêm túc” rằng con người và Trái Đất dễ tổn thương như thế nào khi đối mặt với các mối đe dọa quy mô toàn cầu. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres lưu ý đại dịch Covid-19 gây ra tác động trực tiếp và khủng khiếp, song thế giới vẫn phải đương đầu với một vấn đề khẩn cấp khác là cuộc khủng hoảng môi trường đang ngày càng bộc lộ rõ, tính đa dạng sinh học giảm mạnh và biến đổi khí hậu đang tiến tới điểm không thể quay đầu.
Thư ký điều hành của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Patricia Espinosa, cũng cảnh báo đại dịch Covid-19 là “mối đe dọa khẩn cấp nhất đối với nhân loại hiện nay”, song thế giới không nên quên rằng biến đổi khí hậu là “mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai”. Đó là lý do Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi: “Chúng ta phải hành động dứt khoát để bảo vệ hành tinh trước cả mối đe dọa biến đổi khí hậu và Covid-19”. Thế giới đang đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu, đòi hỏi một phản ứng toàn cầu thống nhất.
Những tuần qua, do dịch Covid-19, Trái Đất có vẻ được “nghỉ ngơi” khi con người giảm hoạt động, phần nào khiến môi trường trong lành hơn. Tuy nhiên, môi trường sạch hiện nay chỉ tồn tại trong ngắn hạn, bởi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng lên khi con người trở lại nhịp sống trước đây, khôi phục hoạt động kinh tế thời hậu Covid-19. Bởi vậy, thông điệp chính trong Ngày Trái Đất năm nay là “Thế giới cần bạn và những hành động của bạn”. Bắt đầu ngay từ những hành động giản đơn như nhặt rác, tắt đèn và vòi nước khi không cần thiết, trồng cây, khuyến khích những người xung quanh tích cực hành động bảo vệ môi trường sống, đến những hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu…
Trong giai đoạn thách thức của đại dịch Covid-19, Ngày Trái Đất là cơ hội đoàn kết hàng trăm triệu người trên thế giới để truyền cảm hứng cho hành động chống biến đổi khí hậu cũng như chống tình trạng suy thoái môi trường, ngay cả khi sự kiện này diễn ra trực tuyến. Với sức mạnh của truyền thông số hóa, cộng đồng quốc tế lại được kết nối mạnh mẽ hơn bao giờ hết về mặt tinh thần, hòa chung tiếng nói: Hãy hành động để chống biến đổi khí hậu.