Đứng đầu trong danh sách nợ thuế là CTCP Đầu tư và xây dựng 24 (có trụ sở tại đường Xiêng Khoảng, xã Nghi Phú, TP. Vinh) nợ hơn 21,9 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm nhiều nhất tỉnh Nghệ An tính đến hết tháng hết tháng 6/2023.
Đứng thứ 2 trong danh sách nợ bảo hiểm đợt này là CTCP 482 (có trụ sở tại phường Lê Lợi, TP. Vinh) với số nợ hơn 17,02 tỷ đồng. CTCP 482 tiền thân là Xí nghiệp Đường sắt 769. Năm 1982, công ty đổi tên thành Xí nghiệp Đường sắt 482 trực thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Giao thông 4. Năm 1992, chuyển đổi thành Công ty Công trình giao thông 482. Được biết, CTCP 482 cũng đang nằm top dẫn đầu trong danh sách nợ thuế ở Nghệ An với số tiền nợ hơn 24,4 tỷ đồng. Trước đó, ngày 27/10/2022, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng đã có thông báo số 2865/TB-CT về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trần Văn Long.
Tiếp đến là các doanh nghiệp như: Công ty CP Xây dựng thủy lợi I (trụ sở tại phường Đông Vĩnh, TP. Vinh) nợ hơn 9,8 tỷ đồng; CTCP Xây dựng và Thương mại 423 (ở TP. Vinh, Nghệ An) nợ hơn 7,4 tỷ đồng; CTCP may Vinatex Hoàng Mai nợ hơn 4,1 tỷ đồng; CTCP Nạo vét và xây dựng Đường Biển 2 (ở TP. Vinh) nợ hơn 3,5 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Thuỷ lợi 3 Nghệ An nợ hơn 2,7 tỷ đồng; CTCP Xây dựng hạ tầng dầu khí Nghệ An (địa chỉ tại TP. Vinh) đang nợ hơn 2,74 tỷ đồng; Xí nghiệp Gạch Tuynel Đô Lương nợ hơn 1,2 tỷ đồng…
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, nhiệm vụ của đơn vị trong 6 tháng cuối năm là chú trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nộp bảo hiểm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT. Đồng thời, kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT; góp phần giảm tối đa tình trạng nợ BHXH, BHYT trên địa bàn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An sẽ tăng cường các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ như: Thành lập các tổ đôn đốc thu hồi nợ trực tiếp làm việc tại các đơn vị sử dụng lao động; phối hợp Công an tỉnh Nghệ An mời làm việc trực tiếp cơ quan BHXH và lập biên bản làm việc với các đơn vị nợ BHXH kéo dài; thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính...
Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia tài chính - bất động sản, cho rằng với tình hình kinh tế hiện nay thì DN ngành nào cũng khó mà nhất là DN bất động sản đang "đuối" về dòng tiền. "DN đã quá khó khăn nên họ chấp nhận nợ thuế để dùng vốn xoay xở cho những hoạt động khác nhằm bảo đảm cho hoạt động kinh doanh trước mắt. Ngoài ra, các DN còn tự tạo dòng tiền bằng cách giảm giá sản phẩm, chiết khấu cao để thu hút khách hàng, thậm chí bán tài sản để trả nợ… Tuy nhiên, khi thị trường chung vẫn còn khó khăn, để bán được sản phẩm cũng như tài sản phải chờ thêm 3-6 tháng nữa.
Do đó, với các DN đơn thuần nợ thuế vì khó khăn, cơ quan thuế nên tính đến phương án cho giãn nợ để họ có thời gian ổn định, xử lý. Còn với các DN bất động sản có vướng mắc về pháp lý, nợ thuế vì cách tính tiền thuế sử dụng đất, thời điểm tính khác nhau, gây ra sự chênh lệch số tiền mà 2 bên chưa giải tỏa thỏa đáng thì cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ, bộ ngành để các sở ngành liên quan và DN cùng ngồi lại nhằm có phương án xử lý tốt nhất. Vì nếu vướng mắc kéo dài, DN không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhà nước cũng thất thu" - chuyên gia này phân tích.
Nguyễn Công