Nghệ An: Nắng nóng kéo dài, hàng nghìn hecta lúa nguy cơ chết khô

Nắng nóng, hạn hán kéo dài hơn một tháng nay làm cho nhiều diện tích lúa mới gieo, cấy tại tỉnh Nghệ An lâm vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng, nguy cơ mất trắng.
Mặt đường nắng nóng 55 độ, xuất hiện ảo ảnhNghệ An: Quan trắc, kiểm tra đột xuất chất lượng nguồn nướcNghệ An: Đừng để thành Vinh 'thất thủ' khi mưa lớn

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã quá lịch thời vụ gần một tháng, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, không mưa nên toàn xã Quang Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa thể gieo cấy lúa vụ Hè-Thu.

"Giờ chúng tôi chỉ mong trời sớm có mưa"

Bà Nguyễn Thị Phương - trú ở xóm Vũ Kỳ, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành chia sẻ: "Gia đình tôi đã gieo cấy được hơn 4 sào ruộng, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào nước đập Vệ Vừng (là một trong những đập thủy lợi lớn ở huyện Yên Thành). Tuy nhiên, mực nước ở đập nay cũng đã xuống thấp, nếu trời không mưa sớm thì lúa sẽ chết".

Nắng nóng kéo dài khiến ruộng lúc nứt toác. (Ảnh: Ngọc Trâm)

Ông Phan Đức Tiến – Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: "Theo kế hoạch, vụ Hè-Thu toàn xã có hơn 273 hecta gieo cấy. Tuy nhiên thời tiết nắng hạn kéo dài nên chúng tôi dự kiến phải chuyển đổi khoảng 80 hecta đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác...".

Lượng mưa năm 2019 quá ít nên các hồ đập trên địa bàn xã Quang Thành không thể tích nước nhiều. Trong khi đó, hơn một tháng nay, nắng nóng kéo dài đã khiến nước ở hơn 30 hồ đập lớn nhỏ của địa phương này bốc hơi, khô cạn.

Nhiều cánh đồng đã gieo cấy lúa đất nứt toác khiến người dân lo lắng. (Ảnh: Ngọc Trâm)

Có một số đập lớn vẫn còn ít nước nhưng không đủ để tưới tiêu cho các cánh đồng. Nhiều người dân đã chuẩn bị giống lúa để gieo cấy nhưng không có nước nên đành chịu...

"Từ ngày 3/5/2020 đến nay trên địa bàn xã không hề có mưa. Chúng tôi vô cùng lo lắng khi nắng hạn kéo dài, mùa màng không gieo cấy được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lịch thời vụ. Giờ chỉ cầu mong trời sớm có mưa lớn", ông Tiến nói.

Không giấu nổi sự lo lắng, ông Phạm Công Triều – Chủ tịch UBND xã Tây Thành (huyện Yên Thành) nói: "Địa bàn xã chúng tôi có 165 hecta đất lúa nhưng chỉ mới gieo cấy được 20 hecta. Đến nay nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa cũng không đảm bảo được. Giờ chúng tôi chỉ mong trời sớm có mưa để đảm bảo nguồn nước cho bà con gieo cấy".

Người dân tại xã Quang Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đứng trước nguy cơ mất trắng vụ mùa vì hạn hán kéo dài. (Ảnh: Ngọc Trâm)

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PT-NT) huyện Yên Thành cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có khoảng 600 hecta lúa gieo cấy đang bị thiếu nước. Một số địa phương đã phải chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp hơn. Các bị hạn nặng là: Tiến Thành, Mã Thành, Hùng Thành, Tây Thành, Quang Thành, Tây Thành, Mỹ Thành…

Ao hồ cạn kiệt nước

Mặc dù là huyện đồng bằng nhưng đến nay một số xã ở huyện Diễn Châu như Diễn Lợi, Diễn Đoài, Diễn Lâm, Diễn Hoàng… cũng rơi vào tình trạng hạn hán.

Mực nước ở các hồ đập trên địa bàn xã Quang Thành (huyện Yên Thành) đã sắp cạn kiệt do thời tiết nắng nóng kéo dài. (Ảnh: Ngọc Trâm)

"Hạn hán năm nay gay gắt hơn so với mọi năm, một số vùng cuối kênh thủy lợi không thể đảm bảo nguồn nước được. Hiện nay trên địa bàn có khoảng 700 hecta lúa đã được gieo cấy nhưng đang bị thiếu nước", ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PT-NT huyện Diễn Châu thông tin.

Theo dự báo, thời tiết nắng nóng vẫn còn tiếp tục duy trì trên địa bàn Nghệ An với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 - 40 độ C. Trong khi đó, hiện nay nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi do doanh nghiệp quản lý chỉ có 2 hồ đầy nước, còn lại chỉ đạt 50 – 70% dung tích thiết kế.

Nắng nóng kéo dài, hàng nghìn hecta lúa ở Nghệ An nguy cơ chết khô. (Ảnh: Ngọc Trâm)

Các hồ chứa do xã, hợp tác xã quản lý lượng nước còn lại chỉ ở mức khoảng 30 - 55%, trong đó có một số hồ đập đã cạn kiệt nguồn nước.

Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn đang tiếp tục kéo dài, tỉnh Nghệ An đang yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương điều tiết nguồn nước hợp lý gắn với hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm.

Tỉnh Nghệ An cũng cho phép một số địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao vào trồng trên đất lúa.

Ngọc Trâm
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết