Tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn. Thời gian tới phải tiếp tục cắt giảm thêm.
Theo tính toán của cơ quan này, khoảng 1,3 tỉ kWh, trong đó hơn 500 triệu kWh sẽ cắt giảm do vấn đề thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV từ miền Trung ra Bắc.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo. Đặc biệt, đáng chú ý là sự bùng nổ điện mặt trời áp mái.
Cụ thể, tháng 6 năm 2020, sản lượng điện mặt trời áp mái từ 6.000 MWp đã lên 10.000 MWp. Đặc biệt, 1 tuần cuối của năm, con số ghi nhận thêm là 3.000 - 4.000 MWp. Trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời không khai thác được.
Thực tế, ngành điện đã phải thực hiện cắt giảm công suất năng lượng điện tái tạo ở một số địa phương vì hệ thống truyền tải không “kham” nổi.
Cần cơ chế bền vững
Theo PGS.TS Bùi Thiên Dụ, nguyên giảng viên Khoa Điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển lâu dài, minh bạch, hướng đến bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là người dân đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
"Ngoài những hộ gia đình lắp đặt mái nhà để sử dụng, còn lại đều mong muốn chính sách ổn định để có thể bán điện, nhanh chóng thu hồi vốn. Do đó, với điện mặt trời mái nhà, cần có cơ chế riêng bền vững hơn để người dân không còn e ngại. Chính phủ, Bộ Công Thương cần tính toán kỹ để không lặp lại những vấn đề đã nảy sinh như vừa qua, chính sách phải liền mạch.
Về việc dự kiến cắt giảm 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021, ông Dụ cho rằng: "Việc cắt giảm là chưa hợp lý, phải tìm giải pháp để giải quyết vướng mắc, phát triển năng lượng tái tạo bền vững. Cần sớm giải quyết bài toán về hạ tầng truyền tải bằng việc thu hút các nguồn lực, để tư nhân tham gia, nhà nước quản lý trên cơ chế thu hồi vốn cho nhà đầu tư, giải tỏa được công suất vừa bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia". Theo vị chuyên gia, phát triển điện mặt trời có kiểm soát chặt chẽ và đầu tư hạ tầng truyền tải thì mới có thể bền vững.
Phân bổ lại công suất phát của điện mặt trời áp mái, hiện tỉ trọng của điện mặt trời áp mái so với trang trại điện mặt trời đã xấp xỉ 90%. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có cơ chế, nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa hoặc quá tải lưới điện. Bởi lẽ, hiện cơ quan này đang rất lúng túng trong thứ tự huy động nguồn, huy động còn gắn với việc thủy điện xả thừa, huy động cả nguồn điện BOT có bao tiêu.
Trong khi đó, chia sẻ với Tạp chí điện tử Diễn đàn doanh nghiệp VN, ông Đào Du Dương - Phó chủ tịch thường trực Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP.HCM cho biết, việc bảo đảm an toàn an ninh năng lượng điện Quốc gia được giao cho EVN đang hết sự bị động, EVN không đưa ra được kế hoạch lâu dài, cũng như không dự đoán được sự bùng nổ của năng lượng tái tạo trong năm vừa qua.
Trong đó, các dự báo của EVN cũng như Bộ Công Thương về năng lượng tái tạo đều không xác với thực tế, không đánh giá hết được năng lực của việc doanh nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam. Ngoài ra, các quy hoạch điện còn mang tích chất chủ quan, độc quyền dẫn đến các quy hoạch không được kiểm soát. Từ đó, dẫn tới việc buộc phải cắt giảm điện năng lượng tái tạo.
Ông Dương nhấn mạnh, "cần có một cuộc cách mạng thật triệt để đối với ngành điện lực, chứ không phải là điều chỉnh một vấn đề nào cả, vì sẽ không giải quyết được vấn đề gì nếu không phá vỡ thế độc quyền của ngành điện. Tạo ra thế cạnh tranh thì mới thúc đẩy được sự phát triển cho ngành".
Vẫn đặt gánh nặng vào than
Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhận xét đây là một nghịch lý. Từ trước tới nay, cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Công Thương, vẫn đặt gánh nặng vào than trong khi tiềm năng khai thác than của Việt Nam không còn nhiều, phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng lên, còn trên toàn cầu, ngành than đang trong xu thế thoái trào.
Đối với việc dự kiến cắt giảm 1,3 tỉ kWh năng lượng tái tạo, theo ông Sính, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào năng lượng tái tạo là những người đầu tiên mất trắng.
"Nguyên nhân là bởi vì trước đây năng lượng tái tạo không được chú ý, ngay cả Quy hoạch Điện VII, Điện VII điều chỉnh dù ở thời điểm soạn thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên môn đã góp ý. Đến bây giờ, khi chú ý đến năng lượng tái tạo thì mới thấy hầu như chưa có sự chuẩn bị gì, khi đưa ra chính sách cũng chỉ mang tính ngắn hạn", ông Trần Đình Sính nói.
"Rõ ràng, nếu có tầm nhìn dài hạn, có chính sách đối với năng lượng tái tạo ngay từ đầu, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị, đặc biệt là về truyền tải, thì Nhà nước sẽ lợi hơn rất nhiều bởi người dân, doanh nghiệp bỏ tiền ra làm", Phó Giám đốc GreenID tiếc nuối.
Cũng bởi trước đây tập trung vào điện than nên hệ thống đường dây được thiết kế để chuyển điện than từ Bắc vào Nam. Đến bây giờ, nhiều nhà máy điện than bị chậm tiến độ, năng lượng tái tạo phát triển, hệ thống điện thiết kế cho quy hoạch cũ không còn phù hợp nữa nhưng muốn chuyển sang truyền năng lượng tái tạo từ Nam ra Bắc lại chưa thể làm ngay. Điều này dẫn đến khi điện mặt trời, điện gió phát triển ồ ạt thì phải cắt giảm công suất.
"Đó là một vòng luẩn quẩn", ông Trần Đình Sính nhận xét.
Tại một số tỉnh, công suất điện mặt trời mái nhà đã vượt quá công suất tiêu thụ điện trên địa bàn. Chẳng hạn, tại Bình Phước, công suất tiêu thụ là 419 MW, nhưng có tới 519 MW điện mặt trời áp mái nhà. Tại Ninh Thuận, các con số tương ứng là 111 MW và 360 MW, chưa kể hơn 2.000 MW điện mặt trời quy mô lớn. Tại Đắk Lắk, các con số này là 398 MW và 653 MW. Tại Gia Lai là 296 MW và 608 MW; tại Đắk Nông là 137 MW và 392 MW...