Chuyển dịch năng lượng tái tạo: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Được đánh giá là một nguồn năng lượng thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch, nhiều chuyên gia nhận định, năng lượng tái tạo là giải pháp tối ưu cho sự khủng hoảng biến đổi khí hậu và Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển…
Năng lượng tái tạo: Tính ưu việt và khả năng tái chế caoPhát triển điện khí ở Việt Nam (Kỳ 1): Tiêu dùng năng lượng trên thế giớiBiến rác thải thành năng lượng để bảo vệ môi trường

Được đánh giá là một nguồn năng lượng thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch, nhiều chuyên gia nhận định, năng lượng tái tạo là giải pháp tối ưu cho sự khủng hoảng biến đổi khí hậu và Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển…

Nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Bộ Công Thương cũng có Quyết định 2023/QĐ- BCT ngày 5/7/2019 phê duyệt Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025 và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... (Ảnh: Internet)

Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc, đạt trên 5.500 MW. Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành; trong đó, các dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất 657,88 MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỉ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế từ năm 2021 trở đi vẫn tăng trưởng ở mức cao từ 8-10%/năm. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí, sắp tới là khí hóa lỏng.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; một số dự án nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ gây áp lực rất lớn đảm bảo nguồn cung điện.

Trong bối cảnh đó, việc phát triển nguồn NLTT, nhất là điện gió và điện mặt trời nối lưới, mái nhà được xem là xu hướng tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc phát triển nguồn NLTT, vừa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa tận dụng được nguồn đất hoang hóa không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu – cụm công nghiệp để lắp đặt điện áp mái; bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ; gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năng lượng tái tạo - hướng đi mới

Chia sẻ thông tin tại hội thảo Biến đổi khí hậu và năng lượng được tổ chức tại Hải Phòng tháng 10/2020, PGS.TS Đặng Đình Thống - Chuyên gia cao cấp NLTT, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng: Có thể khẳng định biến đổi khí hậu (BĐKH) đang trở nên ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự sống toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

tm-img-alt
PGS.TS Đặng Đình Thống - Chuyên gia cao cấp NLTT, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam.

Một trong các nguyên nhân dẫn tới BĐKH là con người sử dụng quá nhiều năng lượng hóa thạch, gây ra phát thải nhà kính quá mức. Để giải quyết vấn đề nhu cầu năng lượng và ứng phó với BĐKH thì không còn cách gì tốt hơn phải phát triển NLTT - nguồn năng lượng sạch và có trữ lượng gần như vô tận như điện gió, điện mặt trời, khí hóa lỏng (KHL).

Trong cuộc Tọa đàm Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng các nhà đầu tư về cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo ngày 29/10, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng phát triển NLTT trên thế giới tiếp tục diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây và tỉ trọng NLTT đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất trên toàn cầu, hiện đang chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, đáng chú ý, tỉ trọng NLTT sản xuất bằng thủy điện (nhỏ) tiếp tục là nguồn NLTT chiếm tỉ trọng cao nhất (50%).

“Hiện tượng chạy dự án xuất hiện gần đây cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Gần đây chúng tôi có nghe phản ánh một số dự án có hiện tượng lách luật. Chẳng hạn, thời hạn giá điện chốt hết năm nay, một số doanh nghiệp bố trí dự án, chạy dự án cấp phép trước thời điểm hiện hạn. Hay theo quy định Dự án 1.000 MW do địa phương quyết định nên một số doanh nghiệp chia nhỏ dự án để đơn giản hoá khâu cấp phép” – TS. Lực cảnh báo.

Bởi thế, theo TS. Lực, đề xuất Quy hoạch điện VIII cần được thông qua, ban hành sớm. Để giải bài toán vốn cho các dự án NLTT cần đa dạng hoá nguồn vốn phát triển NLTT bằng cách tranh thủ nguồn vốn xã hội hoá vào lĩnh vực NLTT, trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT.

tm-img-alt
Dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần biến các thí điểm thành cơ chế, chính sách để khuyến khích tư nhân tham gia truyền tải điện gắn với NLTT. Tiếp đến là tăng trách nhiệm của các địa phương cũng như tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, muốn phát triển điện gió, điện mặt trời cũng cần đặt thêm các ưu tiên thay vì chỉ về giá, như thời gian, chính sách thuế, tín dụng hiện chưa được đề cập. Ưu đãi cũng phải là công suất lớn, vận hành hiệu quả.

Một trong những vấn đề quan trọng nữa là Hợp đồng mua bán điện hiện chưa theo chuẩn mực quốc tế khiến ngân hàng khó thẩm định. Cần nghiên cứu chính sách về giá dài hạn, lường định được, tiệm cận quốc tế như thế nào? Khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, không làm phong trào, để tránh xảy ra tình trạng xếp hàng đợi ưu đãi.

Ngoài ra, hệ thống tiêu chí nhà đầu tư rất quan trọng, ngoài chính sách là ưu đãi cho doanh nghiệp có năng lực như về vốn, các công cụ về kinh tế, về năng lực hỗ trợ, không phải là xin cho mà tư duy “cho người chiến thắng”.

Phát triển NLTT là xu hướng khách quan

Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” tổ chức ngày 18/6, trước những xu hướng về thực hiện tăng trưởng xanh, đảm bảo yêu cầu về môi trường, chất lượng cuộc sống, một số quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo như Thụy Điển, Đan Mạch, Scotland, Đức. Hay, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu năm 2030 đạt 30% cơ cấu năng lượng tái tạo. Đối với Việt Nam đang phấn đấu cơ cấu NLTT đến năm 2030 đạt 20%, đây là bước tiến lớn trong quy hoạch điện VII.

“Hiện nay đang có cuộc đua sử dụng năng lượng tái tạo, đây là xu hướng khách quan, có sức ép cho các nước đi sau đặc biệt là các nước đang phát triển đang đối mặt với thực hiện tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…”, ông Bùi Quang Tuấn nhìn nhận.

Tiềm năng cần đánh thức

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2030, tính toán tổng công suất phát triển điện mặt trời đến năm 2025 khoảng trên 14.000 MW và năm 2030 khoảng trên 20.000 MW. Hiện, Việt Nam đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 4.400 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước.

Ngoài ra, còn có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Chiến lược của Đảng và Nhà nước là khai thác năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên quốc gia và vừa chống lãng phí NLTT, năng lượng hóa thạch.

PGS.TS Đặng Đình Thống - Chuyên gia cao cấp NLTT, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, đặc thù của NLTT là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên (nước, nắng, gió, vị trí địa lý…), công nghệ và giá thành sản xuất. Do đó, để thúc đẩy phát triển NLTT, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá ổn định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ. Với mục tiêu chung là phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện, tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn NLTT đạt khoảng 7% năm 2020, trên 10% năm 2030.

“Thứ nhất cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của việc phát triển và sử dụng NLTT trong quá trình phát triển bền vững, từ đó có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển và sử dụng nguồn NLTT, cần thiết phải xây dựng luật NLTT. Chính phủ xây dựng và ban hành Chiến lược và Chính sách NLTT quốc gia, tạo cơ sở và các điều kiện pháp lý để thống nhất chỉ đạo cũng như tạo ra sự phối hợp có trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ban, ngành về phát triển NLTT.

Bên cạnh đó, thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho hoạt động khuyến khích phát triển NLTT trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường NLTT. Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu và hợp tác quốc tế…”, PGS.TS Đặng Đình Thống nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” tổ chức ngày 18/6 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nêu cụ thể, hiện ngành năng lượng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho năng lượng sản xuất kinh doanh, đời sống, đóng góp an ninh quốc phòng. Nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua, năm 2007-2017, tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%.

Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%. Với nhu cầu điện thương phẩm như trên, dự kiến công suất điện 13.000-14.000 MW. Đến nay, mới có 6.000 MW/năm. Từ nay năm 2030, mỗi năm cần công suất 5.000 -7.000 MW/năm.

“Đây là nhiệm vụ thách thức đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch điện VII được điều chỉnh. Mặc dù Quy hoạch này được điều chỉnh từ năm 2016 nhưng trước nhu cầu bảo vệ môi trường, đã phải trì hoãn, hoặc không được xây dựng hoặc chậm tiến độ, trong bối cảnh đó, đáp ứng nhu cầu năng lượng, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương có điều chỉnh cần thiết, cụ thể đẩy mạnh nhanh hơn dạng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió.

Với sự tham mưu của Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy mạnh hơn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió- có rất nhiều tiềm năng”,  Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Phát triển NLTT góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết: Việt Nam là đất nước sẽ chịu tác động khá trầm trọng của biến đổi khí hậu, lại có tiềm năng nguồn NLTT (thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt) phong phú, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như thủy điện vừa và lớn, than, dầu khí đều ngày càng cạn kiệt và đang biến từ một nước xuất khẩu năng lượng tịnh thành nước nhập khẩu tịnh thì việc tăng cường phát triển các nguồn NLTT có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc sử dụng NLTT vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong mục tiêu toàn cầu vừa đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Quang Huy - Doãn Kiên