Quảng Ngãi: Biển bừng sáng sau dự án “Tử tế với Sa Cần” |
Thời gian gần đây, việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn Lý Sơn đang diễn ra rất phức tạp. Một số cá nhân trong, ngoài tỉnh và người dân địa phương mua đất nông nghiệp với mức giá giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2, cao gấp vài chục lần giá nhà nước giao đất nông nghiệp cho nông dân sản xuất. Do đó, nhiều người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp với giá rất "trên trời".
Giá đất nông nghiệp ở đảo Lý Sơn tăng tới 30 lần trong cơn sốt đất. Ảnh: Thời báo Chứng khoán Việt Nam |
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: "Quy định bồi thường chỉ 60.000 đồng/m2, trong khi giá giao dịch bên ngoài lên đến 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Do đó, nhiều dự án trên địa bàn huyện đang vướng khâu bồi thường và giải phóng mặt bằng. Người dân yêu cầu phải bồi thường 1 triệu đồng/m2”.
Hơn hai năm qua, giá đất ở trên huyện đảo Lý Sơn tăng đột biến do nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư làm du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, homestay... Dọc tuyến đường ven biển đảo Lý Sơn nối hai xã An Vĩnh, An Hải giá đất tăng gấp nhiều lần. Đơn cử, mảnh đất 200 m2 cách đây vài năm chỉ có giá từ 1 đến 2,5 tỉ đồng thì hiện nay giá giao dịch lên tới 5 đến 6 tỉ đồng. Cơn sốt đất tại đảo Lý Sơn ngày càng "nóng" hơn khi số lượng giao dịch tăng lên, giá đất được "thổi" lên rất cao do quỹ đất tại đảo có hạn, mà nhu cầu mua đất đầu tư kinh doanh, hay đầu cơ lướt sóng bất động sản có xu hướng tăng mạnh.
Hay mảnh đất 400m2 của gia đình ông Trần Văn Phương ở thôn Đông, xã An Vĩnh vẫn chưa làm xong nền đất để gieo trồng hành, nhưng do vị trí gần tuyến đường chính, mặt tiền hướng ra biển... nên mấy tháng nay nhiều người và cò đất tìm để hỏi mua. Gia đình ông đã "hét" giá lên tới 5,6 tỉ đồng và quyết định bán để lấy tiền chia cho các con, chuyển đi nơi khác sinh sống.
Do nhu cầu giao dịch đất tăng và nguồn cung đất hạn chế nên nhiều cá nhân, tổ chức còn gom mua đất nông nghiệp, hoặc tìm cách chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, đất dịch vụ thương mại để bán với giá cao gấp vài chục lần. Thấy giá đất nông nghiệp tăng vù vù, nhiều gia đình trên đảo đã bán đất nông nghiệp, hoặc xin chuyển đổi đất, tách thửa để bán được giá cao hơn.
Theo bà Hương có nhiều cá nhân mua đất nông nghiệp rồi tìm cách chuyển đổi lên đất ở, đất dịch vụ với giá bán cao hơn để thu lợi trong cơn sốt đất Lý Sơn. Tuy nhiên, huyện sẽ siết chặt hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, tiến đến hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Việc giá đất nông nghiệp bị nâng lên quá cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là gây khó khăn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển kinh tế xã hội trên đảo, phá vỡ quy hoạch của đảo. Nhưng hệ luỵ sâu xa là người dân đã bán đất sẽ không còn tư liệu sản xuất, cuộc sống rơi vào thế khó khăn, bấp bênh, thiếu việc làm...
Trong hai năm 2017-2018, Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) chi nhánh Lý Sơn cho biết đã giải quyết 1.933 hồ sơ về cấp mới Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tặng cho, chuyển mục đích sử dụng, tách thửa đất. Chỉ 3 tháng đầu năm 2019, địa phương cũng đã giải quyết gần 150 hồ sơ chuyển nhượng, tách thửa đất ở.
Điều đáng lo ngại là nhiều hồ sơ xin tách thửa của hộ gia đình, cá nhân chia cắt từ công trình nhà ở và các công trình phục vụ nhà ở đã xây dựng kiên cố, hay tách thửa đất nhỏ hơn, tự làm đường để bán... làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch...
Trước tình trạng này, UBND huyện Lý Sơn đã chỉ đạo rà soát, tăng cường công tác quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, yêu cầu những cá nhân mua đất nông nghiệp phải ký cam kết chấp nhận mức bồi thường theo giá Nhà nước nếu nằm trong diện thu hồi đất.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về đất đai để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc quản lý, sử dụng đất đúng quy định.