Nguồn gốc của lễ Vu Lan
Từ rất xa xưa, Kinh Vu Lan Bồn của Phật Giáo đã ghi chép rằng: Nguồn gốc của danh từ Vu lan là phiên âm chữ phạn Ullambana, dịch theo ngôn ngữ của người Trung Hoa là Giải Đảo Huyền, có nghĩa cứu khỏi tội treo ngược.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục. Mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề theo đạo Bà La Môn, bà là người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ. |
Mỗi ngày bà thường nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Còn cậu bé Mục Kiền Liên, con trai của bà thì tính tình lại trái ngược hoàn toàn với mẹ của mình. Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm bà làm rơi xuống, rửa sạch rồi ăn chúng. Tất cả những người quen biết đều yêu mến và khen ngợi Mục Kiền Liên là một cậu bé ngoan, hiếu thảo. Họ xem Mục Kiền Liên như một tấm gương để giáo dục con em của mình.
Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xuất gia theo học Phật và trở thành đệ tử của Đức Phật. Có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng tìm thấy mẹ nơi đại địa ngục.
Trông thấy mẹ tóc tai dơ bẩn, chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất, không thể ngưỡng nổi đầu lên. Mục Kiền Liên đau xót khôn nguôi, ôm bà bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn đỡ đói. Nhưng bà Thanh Đề vẫn còn quá sân tham, nên khi cơm đưa đến miệng thì cơm hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Bất lực không thể cứu được mẹ nên Mục Kiền Liên quay về tìm sự giúp đỡ của Đức Thế Tôn.
Nhờ lòng hiếu thảo, Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày và được sanh về cõi lành. |
Đức Phật nói: Ngày 15/7 âm lịch tức là ngày Tự Tứ của chư Tăng, con hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để lấy phước cứu mẹ con.
Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, mẹ của người thoát khỏi kiếp đọa đày và được sanh về cõi lành. Từ đó, ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm trở thành ngày lễ Vu Lan, tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
Lễ Vu Lan báo hiếu - Ngày đại lễ của những người con
Một mùa Vu Lan nữa lại đến, đây chính là dịp để chúng ta sống chậm lại, tạm gác lại những xô bồ, hối hả trong cuộc sống mà dành thời gian để tự ngẫm. Là dịp để mỗi người con hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, những người đã ban cho chúng ta cuộc sống trên cõi đời này.
Nghi thức hoa hồng cài áo trong dịp Lễ Vu Lan: hoa hồng đỏ cho những ai còn cha mẹ, hoa hồng trắng cho những ai đã mất cha (mẹ). |
Lễ Vu lan từ xưa đến nay đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, ngày càng được bồi đắp, góp phần làm sáng đạo lý của dân tộc Việt Nam. Một lẽ giản đơn, ai sinh ra cũng có cội nguồn. Cha mẹ kính yêu cho ta hình hài và quê hương, đất nước nuôi dưỡng ta tâm hồn mang bóng hình xứ sở. Bởi vậy, cùng với nghĩa tri ân công lao, sự hy sinh sánh ngang biển trời của cha mẹ, mỗi người con của dân tộc cúi đầu bày tỏ lòng tri ân với đất mẹ Việt Nam.
Hạnh hiếu đền ơn đẹp nhất là ân cha mẹ hòa với trọng ân cùng Xã tắc Giang sơn yêu quý. Vào dịp này, chúng ta cũng thể hiện ân tình với chúng sinh vạn vật đã luôn thân thiện ở bên ta, giúp cho ta cuộc sống hằng ngày hạnh phúc.
Lễ Vu lan là một trong những hoạt động văn hoá truyền thống, tập quán tốt đẹp để tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, để cầu siêu cho các chiến sĩ hy sinh vì nghĩa lớn; cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình,… thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Hãy báo hiếu khi cha mẹ còn sống
Ai cũng biết rằng cha mẹ đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả vì hạnh phúc, an lạc của con cái. Công đức của cha mẹ lớn lao không sao kể xiết, cho nên con cái báo hiếu cha mẹ thì phải biết nghe lời cha mẹ; anh em đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; không làm việc gì trái với pháp luật và ảnh hưởng đến gia phong; không làm việc ác, năng làm việc thiện; tu dưỡng, học tập, rèn luyện đạo đức để nên người làm cho ông bà, cha mẹ yên tâm, phấn khởi.
Có lẽ bất cứ ai cũng bật khóc khi được nghe giảng về công ơn cha mẹ trong ngày lễ ý nghĩa này. |
Từ xưa tới nay, cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con vô bờ bến. Cha mẹ luôn mong muốn cho con nên người nhưng cũng những người con bất hiếu, ngỗ nghịch, cha mẹ cũng phải cam chịu.
Đại thi hào Nguyễn Du đã đề cao chữ hiếu và xem đó là trách nhiệm hàng đầu của phận làm con: "Duyên hội ngộ đức cù lao/Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn/Để lời thệ hải minh sơn/Làm con trước phải đền ơn sinh thành".
"Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không..." |
Nguyễn Đình Chiểu, một sĩ phu yêu nước, thương dân cũng rất đề cao tinh thần hiếu hạnh được thể hiện trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” khi trên đường đi thi trạng nguyên, nghe tin mẹ mất, Lục Vân Tiên đã quay về chịu tang cho mẹ và khóc đến mù cả mắt.
Lễ Vu lan có ý nghĩa giáo dục to lớn, đặc biệt là trong thời đại ngày nay khi xã hội loài người đang phải đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức. Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người mải chạy theo những cám dỗ vật chất bên ngoài, lao vào những tham vọng cá nhân: háo tiền tài, hám danh vọng, ham sắc dục,... rồi sự toan tính dẫn đến “stress” và đưa họ vào vòng tội lỗi, xa lánh cha mẹ, gia đình.
Có thể có người chưa hiểu đúng ý nghĩa lễ Vu lan nên trong những năm gần đây, còn không ít những việc làm không đúng với thuần phong mỹ tục, như việc đốt vàng mã ngày càng nhiều hơn. Mỗi năm, cứ đến mùa Vu Lan, mỗi người con lại tự lắng lòng mình, suy ngẫm để hiểu và trân trọng hơn công lao sinh thành của cha mẹ.
Lễ Vu Lan báo hiếu là nét đẹp văn hoá của nước ta; một nét đẹp trong văn hoá ứng xử góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng họ và dân tộc. Dù xã hội có văn minh phát triển đến đâu thì việc báo hiếu luôn được đề cao và trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc.