Tạo dựng giá trị xứng tầm cho nghệ thuật mỹ nghệ
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong nhiều ngành nghề lĩnh vực như công nghệ thông tin, marketing… đã giúp Nguyễn Trung Thành tích lũy vốn sống và đạt được những thành quả nhất định.
Một tác phẩm nghệ thuật được các nghệ nhân tạo hình bồi lên từng lớp từng lớp chất liệu quý giá, nung chảy để chúng hòa quyện với nhau, rồi được một "nghệ nhân marketing" bồi tiếp từng lớp các câu chuyện, các điển cố, tạo ra một sự kết hợp kỳ diệu của ý tưởng, tay nghề điêu luyện và những câu chuyện "rung động lòng người".
Bước vào địa hạt mới anh hiểu rõ không thể rập khuôn theo mớ lý thuyết sáo rỗng và làm theo những mô hình khởi nghiệp trong sách vở mà chỉ có thể dựa vào kiến thức thực tế, kinh nghiệm và sự kiên trì mới giúp mình đứng vững để thành công.
Lên kế hoạch cụ thể, anh cùng một số cộng sự tâm huyết bắt tay vào thực hiện sứ mệnh của mình thông qua "Dự án 1102". Dự án nhằm tôn vinh những đóng góp của những nghệ nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, những tinh hoa của các làng nghề tại Việt Nam.
Ngày 12/12/2014, lần đầu tiên hàng trăm nghệ nhân nổi tiếng - những "báu vật nhân văn sống" của các làng nghề truyền thống trên khắp cả nước như gốm Bát Tràng, dát vàng Kiêu Kỵ, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ... được mời tham dự một cuộc hội thảo tại Hà Nội cùng các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực văn hoá, lịch sử, khảo cổ.
Theo các chuyên gia, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa văn hóa của dân tộc, đó chính là tài nguyên vô giá trong việc phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa dân tộc. Làm thế nào để sản phẩm của làng nghề trở thành sản phẩm mang đậm văn hóa của dân tộc, đòi hỏi sự sáng tạo nghiêm túc của các nghệ nhân.
Từ khát vọng đem tạo ra giá trị cho cộng đồng, Nguyễn Trung Thành đã nghiên cứu để cho ra đời một chiến lược mang tính đột phá, tạo dựng giá trị xứng tầm cho nghệ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam.
Để có được những thành công đó, trong thời gian đầu triển khai, tiếp cận với các làng nghề truyền thống để thực hiện dự án của mình, Nguyễn Trung Thành đã nhận ra rất nhiều "rào cản" khiến giá trị của nghệ thuật thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chưa thể "cất cánh".
Năm 2018, mô hình khởi nghiệp từ kinh doanh gốm sứ gia dụng mang thương hiệu Bát Tràng Family chính thức được anh cho ra mắt và đến nay đã có hơn 100 cơ sở trên toàn quốc. Thời gian đầu triển khai, anh tốn khá nhiều thời gian công sức mới có thể quản lý vận hành, khai thác khách hàng. Tuy nhiên khi đã vào quỹ đạo, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả đến bất ngờ.
Năm 2020, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam được Nguyễn Trung Thành sáng lập và triển khai với sứ mệnh đồng hành cùng thanh niên, người nông dân để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truyền thông tiếp thị cho các sản phẩm.
Đầu năm 2021, Nguyễn Trung Thành tiếp tục thành lập Viện Nghiên cứu và Chuyển đổi số ASEAN để xây dựng và đào tạo, chuyển giao công nghệ phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội nhằm hình thành hệ sinh thái trên môi trường số. Đây được xem là lời giải cho "bài toán" về nguồn nhân lực có tri thức và trình độ cao tại các làng nghề truyền thống hiện nay đang thiếu.
Tròn 8 năm bước vào "địa hạt mới", thành quả mà Nguyễn Trung Thành gặt hái được sau những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi là sự dịch chuyển rõ nét của lực lượng lao động trẻ trở về với làng nghề truyền thống. Anh được xem như người “truyền cảm hứng” giúp họ là nắm bắt được cơ hội làm chủ để thành công tại chính quê hương.
Kỳ Linh Ất Mùi - Tác phẩm “độc nhất vô nhị”
Đúng giờ Mùi ngày 19/1, cũng là ngày Ất mùi năm Giáp Ngọ, Kỳ Linh Ất Mùi chính thức ra mắt để chuẩn bị đón Tết 2015. Đây là tác phẩm hội tụ tinh hoa của Dự án 1102 với nghệ nhân các làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội, như làng gốm Bát Tràng và các nghệ nhân làng dát vàng Kiêu Kỵ để cùng chế tác nên.
"Suy nghĩ sáng tạo - kế hoạch cụ thể - hành động quyết liệt" được thể hiện rõ nét trong tính cách làm việc của Nguyễn Trung Thành khi chỉ hơn 1 tháng sau cuộc hội thảo trên lý thuyết đó, ngày 19/1/2015 "Dự án 1102" của anh đã cho ra đời sản phẩm quà tặng thủ công mỹ nghệ mang tên Kỳ Linh Ất Mùi.
Đây là linh vật đầu tiên trong bộ “60 linh vật Việt” hàng năm mà Dự án 1102 và nghệ nhân các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang ấp ủ triển khai.
Tác phẩm được coi là "độc nhất vô nhị" mang đậm nét văn hoá thuần Việt, được các nghệ nhân bền bỉ chế tác trong 30 ngày (30 ngày hạ sinh) từ vàng, đất, nước, lửa và cỏ cây, phỏng theo ngũ hành: kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, thuận theo quy luật tự nhiên, với vóc dáng oai hùng trên núi cao.
Được chế tác tuân thủ nghiêm ngặt theo 5 tiêu chí đối với tác phẩm độc nhất vô nhị là: kiểu dáng phải thuần Việt, nghệ nhân chế tác phải tinh xảo, quý hiếm, mang theo câu chuyện đặc trưng văn hóa Việt và minh bạch toàn bộ quy trình chế tác.
Kỳ Linh Ất Mùi độc nhất vô nhị được bàn tay tài hoa của những nghệ nhân tiêu biểu hai làng nghề thủ công truyền thống: Gốm sứ cổ Bát Tràng và Dát vàng Kiêu Kỵ chế tác từ nguyên liệu tự nhiên, thuận theo ngũ hành và phù hợp bản mệnh “sa trung kim” (Vàng trong Cát). Với mục tiêu và các giải pháp hữu hiệu thực hiện nhiệm vụ này hàng năm, Dự án 1102 không chỉ sẽ đáp ứng được nhu cầu chính đáng, góp phần tô đẹp thêm nền văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam, mà còn từng bước loại bỏ được những linh vật ngoại lai trên dải đất hình chữ S này.
Từ đó đến nay, trong suốt 8 năm qua bộ sưu tập "Kỳ Linh" đã trở thành thương hiệu quà tặng "độc nhất vô nhị" trên thị trường quà tết được đông đảo công chúng đón chờ mỗi dịp Tết đến xuân về.
PV