“Nhập nhèm” cổ phần hoá, Hancorp phải định giá lại hàng chục lô đất

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã xác định một số sai phạm lớn ở Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) như: chưa xác định lại kết quả kinh doanh các dự án bất động sản; hạch toán một số chi phí chưa phù hợp ảnh hưởng đến việc xác định lợi nhuận, nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước…
nhap nhem co phan hoa hancorp phai dinh gia lai hang chuc lo dat

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết luật kiểm toán việc quyết toán vốn nhà nước của Hancorp tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

Hancorp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 15/8/2014 với số vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 98,83%, tương đương gần 1.394 tỷ đồng. Ngày 20/10/2016, giao dịch đầu tiên trên sàn UpCom (mã HAN) với giá tham chiếu 12.500 đồng/cổ phần.

Cơ quan kiểm toán cho rằng, Bộ Xây dựng chưa phê duyệt quyết toán, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần là chưa phù hợp với quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP.

Về công tác xử lý tài chính tại thời điểm cổ phần hoá, Hancorp đã áp dụng sai văn bản để định giá lại các khoản đầu tư tài chính; chưa xác định lại kết quả kinh doanh các dự án bất động sản; tập hợp và hạch toán một số chi phí chưa phù hợp ảnh hưởng đến việc xác định lợi nhuận, nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và khoản phải nộp về Quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, khi cổ phần hoá, Hancorp phải lập phương án sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đang quản lý, sử dụng khi cổ phần hóa trình Bộ Xây dựng phê duyệt. Đơn cử: 10 khu đất tại Hà Nội, 1 khu đất tại TP Hồ Chí Minh, 1 khu đất tỉnh Nghệ An và Đồng Nai có 1 khu đất. Phương án này có bổ sung thêm 3 khu đất thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gồm: Dự án Khu dân cư Long Thọ – Phước An (Đồng Nai); Dự án tổ hợp Nhà ở đa năng 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao (Hà Nội).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc xây dựng phương án sử dụng đất của Tổng công ty cơ bản phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa được duyệt, nhưng theo hồ sơ được cung cấp, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (01/01/2012), Hancorp đang quản lý, sử dụng 10 khu đất. Trong đó, 9 khu đất được doanh nghiệp xây dựng phương án tiếp tục sử dụng đất khi cổ phần hóa và xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; 1 khu đất bàn giao về UBND TP Hà Nội.

Khi chính thức chuyển thành Công ty cổ phần (15/8/2014), Hancorp đã không ghi nhận tăng giá trị tài sản các mục này song trong Báo cáo quyết toán vốn Nhà nước ghi nhận là khoản phát sinh tăng vốn nhà nước với giá trị 17,27 tỷ đồng. Văn bản 13103/VPCP-ĐMDN ghi nhận tăng giá trị vốn nhà nước như vậy là không phù hợp.

Đáng nói là ở các dự án có vi phạm, gây thất thu ngân sách. Cụ thể, tại Dự án tổ hợp Nhà ở đa năng 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long, Hancorp phải nộp tiền sử dụng đất là 119,3 tỷ đồng, nhưng chưa nộp phần giá trị tương ứng với “phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của 30% diện tích sàn căn hộ của dự án” theo quyết định phê duyệt dự án của cấp thẩm quyền. Đơn vị đã trích trước trên báo cáo tài chính khoản phải nộp này là 19,6 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán xác định lại chi phí dự án là 20,4 tỷ đồng.

Năm 2014, dự án tổ hợp Nhà ở đa năng 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long được đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán dự án. Vì vậy, giá thành các sản phẩm của dự án đang tạm xác định trên cơ sở các chỉ phí được phép hạch toán. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cho phép Hancorp bán 30% diện tích sàn căn hộ và nộp vào ngân sách thành phố phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của diện tích sàn căn hộ này. Nhưng do chưa quyết toán dự án nên đến thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần, tổng công ty chưa xác định phần chênh lệch này và chưa nộp vào ngân sách.

Tương tự, Hancorp cũng chưa nộp tiền sử dụng đất với diện tích xây dựng 3.005m2 để làm nhà ở cao tầng cho người nước ngoài (ký hiệu N0I-NG, N02-NG) tại dự án Khu Đoàn ngoại giao tại xã Xuân Đỉnh, Huyện Từ Liêm, Hà Nội. Số tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (01/01/2012) được tư vấn định giá theo đơn giá tạm tính 15.500.000 đồng/m2 tương ứng với là 59,19 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, các khu đất này chưa triển khai thực hiện.

Tại Dự án Khu dân cư Phước An – Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Hancorp thực hiện bàn giao toàn bộ diện tích đất 207.274 m2 cho UBND huyện Nhơn Trạch theo các quyết định thu hồi đất trên.

Trên báo cáo quyết toán vốn nhà nước, Hancorp ghi giảm giá trị vốn nhà nước 33,13 tỷ đồng là không có cơ sở khi chưa có ý kiến của cấp thẩm quyền đối với các khoản chỉ phí đã phát sinh trên.

Hàng loạt các tồn đọng trong xử lý tài chính khi chuyển sang công ty cổ phần, quyết toán vốn nhà nước, thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước… vẫn chưa được Hancorp hoàn thành.

Hancorp “nhập nhèm” sở hữu tầng hầm chung cư

Liên quan đến tranh chấp gay gắt về sở hữu chung – riêng tại tòa nhà Hancorp Plaza (Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều năm qua, Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự án hiện đã thực hiện xong (đang trong giai đoạn làm hồ sơ quyết toán) phát sinh phần giá trị vốn nhà nước tương ứng với giá trị ghi tăng tài sản là 2 tầng hầm và trung tâm thương mại.

nhap nhem co phan hoa hancorp phai dinh gia lai hang chuc lo dat

Hancorp đã tính phần 2 tầng hầm chung cư Hancorp Plaza vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá

Năm 2017, cư dân tòa nhà đã phản ánh chủ đầu tư “biến” tài sản sở hữu chung thành sở hữu riêng của mình. Trong hợp đồng mua bán căn hộ, phụ lục kèm theo và Quy chế quản lý và sử dụng tòa nhà Hancorp Plaza ghi rõ: “nơi để xe thuộc phần sở hữu chung trong tòa nhà”. Nhưng Hancorp đã đưa giá trị hai tầng hầm vào tài sản cổ phần hóa của doanh nghiệp và khẳng định 2 tầng hầm B1, B2 là tài sản riêng để chủ đầu tư kinh doanh dịch vụ giữ xe.

Hancorp cho rằng, do đang tranh chấp phần tầng hầm thuộc 2 toà nhà nên đoàn kiểm toán không thực hiện phân bổ lại các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản phát sinh thực tế và tiền sử dụng đất của phần diện tích này. Dù chưa phân định rõ sở hữu chung – riêng, nhưng chủ đầu tư đã phân bổ 100% giá trị tiền sử dụng đất đối với diện tích tầng hầm xây dựng 2 toà nhà bán cho khách hàng.

Kiểm toán Nhà nước cho hay, các bên đã không phân định rõ quyền sở hữu đối với các diện tích tầng hầm này trong hợp đồng mua bán nhà và quy chế quản lý chung cư kèm theo hợp đồng mua bán.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Hancorp phải làm việc với các ban ngành, cơ quan có thẩm quyền và khách hàng mua nhà để giải quyết dứt điểm tranh chấp, sớm phân định quyền sở hữu đối với diện tích tầng hầm làm cơ sở ghi nhận giá trị vốn nhà nước tương ứng với giá trị tài sản hình thành sau đầu tư.

Quỳnh Oanh

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết