Nhiều giải pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn tại An Giang

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019-2020 và để chủ động ứng phó với tình hình, UBND tỉnh An Giang đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành triển khai ngay một số biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Mặn vào vùng ngọt Cà Mau, dân thiếu nước sản xuấtThủy điện thượng nguồn Mekong giảm xả nước khiến xâm nhập mặn tăngNhiều tỉnh Nam Bộ cần xây dựng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, mực nước trên các sông, kênh xuống thấp do thiếu hụt mưa trong mùa khô. Cùng đó, hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 xảy ra sớm hơn, sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, đồng thời có khả năng tương đương cao điểm là mùa khô năm 2015 - 2016.

Tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố theo dõi chặt diễn biến thời tiết thủy văn và tình hình nguồn nước để chủ động chỉ đạo, điều hành ứng phó với hạn và xâm nhập mặn; chủ động triển khai, thực hiện kế hoạch và phương án ứng phó với hạn, xâm nhập mặn; chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã được phân bổ để ưu tiên thực hiện các công trình nạo vét kênh mương, sửa chữa cống nhằm tạo nguồn nước, tích trữ nước.

Các địa phương chủ động thăm đồng, kết hợp kiểm tra những vùng sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng do hạn, mặn; thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện vận hành tốt; tổ chức vận hành các cống để tích nước, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; đắp đập tạm để giữ nước khi cần thiết và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn năm 2020.

Đồng thời, các địa phương tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trữ nước, sử dụng nước hiệu quả để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt; áp dụng giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất. Người dân sản xuất tại các vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang được khuyến cáo thường xuyên kiểm tra nguồn nước, lấy nước tưới theo các đợt nước lớn từ sông Hậu chảy vào...

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn; chỉ đạo các địa phương điều chỉnh lịch thời vụ và điều chỉnh cơ cấu cây trồng để tránh hạn, xâm nhập mặn ở vùng có khả năng hạn và xâm nhập mặn cao; cập nhật và tổng hợp tình hình thiệt hại của các địa phương để tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kịp thời.

Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện kiểm tra, vận hành công trình cống, đập, kênh mương, hệ thống trạm bơm điện nhằm đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, rà soát các hệ thống cấp nước sinh hoạt nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh cũng chuẩn bị phương án để chủ động khi xảy ra thiếu nước sinh hoạt, tạo những điểm cấp nước công cộng cho người dân bị thiếu nước hoặc vận chuyển cấp nước trong trường hợp xa nguồn nước, đặc biệt ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn - ông Thư chia sẻ.

Tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tổ chức quan trắc nguồn nước, độ mặn để kịp thời cảnh báo cho người dân phòng tránh; thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, nhận định về tình hình thời tiết, nguồn nước, hạn và xâm nhập mặn cho các cơ quan có liên quan và địa phương kịp thời chỉ đạo ứng phó.

Ban Chỉ huy Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang dự báo, trong trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, tỉnh An Giang có khả năng bị ảnh hưởng 9.328 ha sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn. Huyện Tri Tôn bị ảnh hưởng 3.076 ha; trong đó có 817 ha lúa trong giai đoạn mạ. Huyện Thoại Sơn bị ảnh hưởng 6.252 ha; trong đó có 2.861 ha lúa trong giai đoạn mạ.

Do mực nước trên các kênh rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng, tỉnh An Giang cảnh báo khô hạn có khả năng ảnh hưởng đến 9.361 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các địa phương như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu. Nguồn nước từ các giếng, suối và nguồn nước dự trữ không đảm bảo sử dụng nên có khả năng thiếu nước sinh hoạt cục bộ cho các hộ dân ở vùng cao ven các đồi núi của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên...

Theo Thanh Sang/Báo Tin tức