Nhiều tập đoàn nhà nước làm ăn có lãi sau khi về với Ủy ban quản lý vốn

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty.
Bàn giao 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệpACV sẽ xây Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong 24 tháng?Danh sách 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ bị giám sát tài chính

Sáng 17/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) để lắng nghe, giải quyết các vấn đề đối với cơ quan mới chính thức đi vào hoạt động cách đây 10 tháng.

Cùng dự buổi làm việc có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 19 tập đoàn, tổng công ty đã bàn giao về Ủy ban. Nhiệm vụ quan trọng của cuộc làm việc là các bộ, ngành nêu ý kiến thảo luận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các DN và các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả.

nhieu tap doan nha nuoc lam an co lai sau khi ve voi uy ban quan ly von
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại các DN, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã giải quyết 2 nhóm công việc. Thứ nhất là nhận bàn giao và tiếp tục xử lý những công việc do các Bộ đang xử lý dở dang, thứ hai là giải quyết những công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Song một trong những khó khăn quan trọng của Ủy ban là thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ, kinh nghiệm để giải quyết các công việc quan trọng mà Ủy ban tiếp nhận từ các bộ, ngành. Cùng với đó là một số quy định hiện nay còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong triển khai nhiệm vụ.

Tại buổi làm việc, một số tập đoàn, tổng công ty cho rằng, cần có cơ chế làm sao phân cấp mạnh hơn cho DN để ra quyết định kinh doanh kịp thời, không để bỏ lỡ cơ hội thị trường bởi “chậm là thua”.

Một số đơn vị thì nêu tình trạng cổ phần hóa công ty mẹ bị chậm, vì quy định yêu cầu rà soát toàn bộ giá trị đất cả ở một số đơn vị cấp dưới thay vì chỉ công ty mẹ. Trong khi đó, việc xác định giá trị quỹ đất, giấy tờ pháp lý của đất nằm rải rác ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn.

Có ý kiến cho rằng, việc phối hợp công tác giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đối với DN là một vấn đề rất mới, chưa từng có trong thực tiễn, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đề ra các quy chế, phương thức quan hệ công tác phù hợp. Các ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, là cơ quan quản lý Nhà nước với Ủy ban, là cơ quan quản lý vốn.

Quản lý vốn Nhà nước tại các DN và việc cần giúp Ủy ban này hoạt động hiệu quả hơn thời gian tới. Thủ tướng nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Ủy ban chính thức đi vào hoạt động từ 30/9/2018. Việc ra đời Ủy ban là để tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.

“Điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra đối với Ủy ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó có 2 việc cấp bách là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban, vì chúng ta đã nói là việc thành lập cơ quan mới này để tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động. Việc thứ hai là cần kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban”, Thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế Nhà nước, cụ thể là DN Nhà nước, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao sang Ủy ban, với số vốn 2,3 triệu tỉ đồng. Không chỉ lớn về vốn mà các tập đoàn, tổng công ty này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nộp ngân sách Nhà nước.

Về hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được, trong đó có việc đã tiếp nhận 237 nhiệm vụ dở dang từ các bộ và đã hoàn thành xử lý 97 nhiệm vụ. Ủy ban cũng đã tháo gỡ khó khăn, giúp các DN tiếp nhận hoạt động ổn định và có bước phát triển. Trong đó, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng 12%, nộp ngân sách tăng 31,4%. Hầu hết các tập đoàn làm ăn có lãi, đời sống người lao động được cải thiện.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, khắc phục các bất cập kéo dài, gây ùn ứ, dở dang các nhiêm vụ như thời gian qua. Nhấn mạnh cần tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban phối hợp nhịp nhàng hơn với các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với việc kiến nghị hoàn thiện, thực hiện tốt Nghị định số 131 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN, bao gồm cả việc xây dựng mô hình quản trị DN hiện đại, có biện pháp giám sát nội bộ hiệu quả, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Nhà nước.

Đối với các tập đoàn, Thủ tướng yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, dẫn dắt và tạo tính lan tỏa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát tránh tình trạng thất thoát lãng phí trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

nhieu tap doan nha nuoc lam an co lai sau khi ve voi uy ban quan ly von
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Phải xây dựng được mô hình quản trị DN hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN Nhà nước. Đặc biệt lưu ý kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ DN Nhà nước, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không đầu tư được hoặc là các lĩnh vực Nhà nước cần phải nắm. Không phải chỉ có Ủy ban, mà cả các tập đoàn phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Đặc biệt, trách nhiệm của các đồng chí là phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện phát triển, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, sử dụng vốn Nhà nước, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực, lạm dụng chức vụ quyền hạn đối với các tập đoàn, tổng công ty”.

Đối với vướng mắc tại một số nghị định, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp trình Chính phủ trong phiên họp tháng 7 để xử lý, tạo thuận lợi cho sự phát triển. Các bộ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chứ không “khoán trắng” cho Ủy ban trong vấn đề thẩm định một số dự án.

Ủy ban cần kịp thời hơn nữa trong phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh các tập đoàn, tổng công ty, khẩn trương xử lý với các đề nghị của các tập đoàn, tổng công ty trình Ủy ban.

Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn niêm yết trên thị trường chứng khoán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chương trình cổ phần hóa cũng như các DN đã cổ phần hóa không đặt vấn đề phải thoái vốn lại.

Ủy ban không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng cho DN mà cần tạo điều kiện cho DN phát triển tốt hơn nữa. Trong kinh tế thị trường, thời cơ là quan trọng, do đó, Ủy ban cần trả lời nhanh, quyết đáp nhanh những vấn đề tập đoàn, tổng công ty xin ý kiến.

Thủ tướng nhất trí, Chính phủ, các bộ cần có cơ chế phân cấp mạnh hơn cho tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở đề nghị của Ủy ban. Ủy ban cần tập trung vào kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, “giao quyền phải đi liền với trách nhiệm”.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị cụ thể của Ủy ban như vấn đề thu hút cán bộ, nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải chọn con người tốt, cả đạo đức, tác phong, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ; cho phép Ủy ban làm việc với các bộ trưởng để điều động nhân sự từ các bộ, ngành, thậm chí cả các tập đoàn, tổng công ty.

Việc kiện toàn cán bộ, nhân sự tại các tập đoàn, tổng công ty là việc gấp, cần làm ngay.

Xuân Đoàn (T/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường