(Ảnh minh họa) |
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Luật quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia và biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia; quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia…
Cấm tuyệt đối uống rượu bia khi tham gia giao thông
Quy định “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đã được các đại biểu Quốc hội nhất trí đưa vào Điều 5 của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia sẽ không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.
Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, đây là một điểm mạnh của luật so với các nước khác trên thế giới. Theo bà Trang, ở một số quốc gia khác tại châu Âu, có nơi vẫn quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Quy định mạnh mẽ này hy vọng sẽ giảm được số lượng người uống bia, rượu khi tham gia giao thông, giảm được các tai nạn giao thông đáng tiếc gây ra do rượu, bia.
Cũng tại Điều 32, khoản 6 có quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”. Do đó, các cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng trong việc sử dụng phương tiện giao thông khác khi đã uống rượu, bia
Quy trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông
Theo bà Trần Thị Thu Trang, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, một trong những điểm mạnh của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính là quy trách nhiệm của cả chủ phương tiện giao thông.
Theo đó, về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, ngoài quy định rõ: “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông”, thì Luật cũng quy định “Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông”.
Từ 18 giờ đến 21 giờ, cấm không quảng cáo rượu, bia
Cũng giống như một số luật phòng chống rượu, bia trên thế giới, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cũng luật hóa một số điều có tính chất khá mạnh gồm: không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; cấm sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán, kinh doanh, quảng cáo rượu, bia; cấm sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.
Ảnh minh họa. |
Về điều này, bà Trần Thị Thu Trang cho biết, một số nước cũng có quy định rất chặt chẽ. Malaysia cũng cấm không được sử dụng hình ảnh người dưới 18 tuổi;
Đặc biệt là quy định không quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ - 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo trong các chương trình thể thao đã mua bản quyền được tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, rượu bia không được quảng cáo trên phương tiện quảng cáo (trong đó có báo in) dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai. Quảng cáo về rượu, bia không được sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Không được uống rượu, bia tại nơi làm việc trong thời gian làm việc, học tập, giảng dạy; cấm uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập với một số đối tượng. Chính phủ được giao quy định các địa điểm công cộng khác không được uống rượu, bia.
Cũng liên quan đến quảng cáo, luật chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mãi rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu, bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi.
Đối với các loại rượu, bia không thuộc trường hợp kể trên thì sẽ sử dụng những biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mãi phù hợp theo từng mức độ cồn, tương ứng với từng loại phương tiện quảng cáo.
Luật cũng quy định việc quản lý hoạt động quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ và rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên.
Ngoài ra, để đủ điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử, ngoài đáp ứng các quy định của pháp luật về thương mại điện tử; quy định về quản lý kinh doanh rượu; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia thì người bán phải có biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia.
Khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, người dân sẽ không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.