Trong tiết hè nóng nực như hiện nay, việc cho trẻ đi bơi là một trong những hoạt động rất bổ ích, nó không chỉ làm giảm bớt cái nóng của mùa hè, mà còn là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe. Cho trẻ đi bơi sao cho an toàn là một trong số những kỹ năng quan trọng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý.
Hãy chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng trước khi cho trẻ đi bơi - Ảnh minh họa |
Những lưu ý khi cho trẻ đi bơi
Chuẩn bị cho trẻ trước khi đi bơi: Hãy chuẩn bị cho trẻ các vật dụng như khăn lông, dầu gội, xà bông tắm, thuốc nhỏ mắt, dầu nóng, đồ bơi, kính, phao, mũ, kem chống nắng. Do da trẻ nhạy cảm nên bạn cần lưu ý chọn mua đúng loại kem chống nắng dành cho trẻ nhỏ.
Không để trẻ bơi giữa trời nắng gắt: Bố mẹ tuyệt đối không nên để trẻ bơi vào buổi trưa, dưới trời nắng gắt (thường là vào khoảng 11 – 13 giờ hàng ngày), bởi vì khi đó nhiệt độ cơ thể của trẻ đang cao, mồ hôi ra nhiều, nếu gặp nước sẽ rất dễ nhiễm lạnh. Thay vào đó, nên cho trẻ bơi vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, sẽ rất có lợi và an toàn cho sức khỏe của con.
Lựa chọn những vùng nước sạch: Không nên cho trẻ bơi ở những hồ ao tù hãm, những khúc sông ngòi bẩn có nhiều cống rãnh đổ vào. Nước bẩn mang sẵn nhiều loại vi khuẩn có hại, là tác nhân gây nhiều loại bệnh như đau mắt, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm tai...
Bảo vệ mắt, tai, mũi, họng của trẻ: Đối với trẻ mới tập bơi, thời gian ở dưới nước không nên kéo dài quá 30 phút, áp dụng cho mùa hè. Vào cuối hè, đầu thu khoảng thời gian cho phép thu lại còn 15-20 phút. Sau buổi bơi, trẻ phải xì mũi thật sạch và đẩy nước ra khỏi tai (dạy trẻ nghiêng tai có nước xuống phía dưới, nhảy vài lần, làm cả 2 bên). Lau sạch ống tai bằng một que bông sạch.
Sau khi bơi xong cần vệ sinh tai, mũi, họng sạch sẽ cho trẻ - Ảnh minh họa |
Sau khi bơi lội, phụ huynh nên nhỏ argyrol 1-2% vào hai lỗ mũi của trẻ, sau đó cho súc miệng và họng bằng nước muối. Nếu trẻ đang bị đau mắt, viêm tai, mũi, họng, tắc mũi, sổ mũi... tạm thời không nên bơi lội.
Đề phòng nhiễm lạnh: Dù đang vào mùa hè, thế nhưng vẫn phải chú ý đề phòng nhiễm lạnh cho trẻ, nhất là nhiễm lạnh đột ngột, rất nguy hiểm. Vào buổi sáng khi trời còn mát, nước trong bể bơi hoặc dưới sông, hồ khá lạnh, không nên để trẻ cởi quần áo nhảy xuống nước ngay mà phải khởi động đầy đủ, tập thể dục hoặc tham gia một số trò chơi trên bờ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước.
Không nên bơi trước và sau khi ăn: Bơi khi đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ, hoặc có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức. Bơi trong lúc dạ dày còn quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn…
Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ các món chế biến từ rau, củ, quả hơn là các món từ chất béo, thức ăn nhanh và cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ.
Bảo vệ khoang miệng cho trẻ: Kể cả các hồ bơi đã qua thanh lọc cũng không thể diệt hết 100% vi khuẩn. Vi khuẩn có thể thông qua khoang miệng xâm nhập vào hệ hô hấp và hệ tiêu hoá gây viêm nhiễm. Đặc biệt, khi sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu, trẻ sẽ càng dễ bị viêm nhiễm; hoặc khi khoang miệng có vết thương hở, bé sẽ dễ bị sưng lợi, lở loét khoang miệng hơn.
Sau khi bơi, ngay lập tức nên cho trẻ dùng nước sạch hoặc nước súc miệng để làm sạch khoang miệng. Điều này giúp kịp thời loại bỏ các vi khuẩn còn đang “lưu lại” trên bề mặt khoang miệng, tránh không để các vi khuẩn này xâm nhập sâu hơn, gây viêm nhiễm. Lưu ý không cho trẻ ăn uống bất kì thứ gì trước khi súc miệng.
Không phải trẻ nào cũng có thể bơi: Những trẻ sau đây không nên tham gia hoạt động bơi lội.
- Trẻ mắc bệnh hen phế quản khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
- Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
- Trẻ bị viêm da dị ứng: Hoá chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sỹ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.
Luôn để mắt tới trẻ khi đi bơi để đảm bảo an toàn - Ảnh minh họa |
Luôn theo dõi khi trẻ bơi: Để ý canh chừng là rất quan trọng nhằm tránh nguy cơ trẻ bị đuối nước, chuột rút…bởi thực tế đã có hơn 70% trẻ học bơi bị chết đuối do sự thiếu giám sát. Bạn nên sắp xếp thời gian ở lại cùng con vào những lần đưa bé đến bể bơi. Đừng hoàn toàn tin tưởng vào khả năng bơi lội của con mình, vì dù thế nào bé vẫn còn là học viên chứ chưa là một vận động viên.
Một số lưu ý quan trọng xử lý đuối nước
Bên cạnh việc trang bị kỹ năng bơi lội, chúng ta cũng cần biết thêm các kỹ năng ứng phó khi gặp đuối nước và cả cách cấp cứu những người bị đuối nước. Theo các chuyên gia, cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân đuối nước, nếu xử trí chậm nạn nhân dễ bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống, sau đó hoặc để lại di chứng rất nặng nề.
Cấp cứu dưới nước: Túm gáy hoặc nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại.
Nhanh chóng quàng tay qua nách, nâng gáy (bằng kiểu bơi ếch ngửa) hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ. Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền phải tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay.
Khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi đường thở và miệng nạn nhân, đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.
Trường hợp nạn nhân ngừng tim (sờ mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút.
Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại.
Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
Khi gặp trẻ đuối nước, người ta thường vác dốc ngược trẻ trên vai, động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em.
Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.