Khởi công xây dựng năm 2008 và đến năm 2012, nhà máy Đạm Ninh Bình được giao cho Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành. Từ đó đến nay, nhắc đến Đạm Ninh Bình, người ta nhớ ngay đến những danh từ được “đóng mác” cho công ty này: bom nợ, “Cú đấm thép” đấm thủng ngân sách, bế tắc, lỗ bền vững…
Tuy nhiên, trên thực tế khi tiếp cận với các nguồn tin và báo cáo sơ tổng kết của Đạm Ninh Bình năm 2018 và quý I/2019, không thể không ghi nhận những tín hiệu đáng mừng trên bức tranh kinh tế của công ty này. Nhìn vào các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), có thể thấy các kết quả đều đạt mức tốt hơn năm 2017.
– Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế năm 2018 đạt 1.655 tỷ đồng tăng 45% so với thực tế thực hiện năm 2017.
– Tổng ure sản xuất quy đổi đạt 258.000 tấn urê tăng 33% so với thực tế thực hiện năm 2017. Công suất phụ tải dây truyền sản xuất đạt trung bình trên 80%.
– Kết quả tiêu thụ đạt 243 nghìn tấn urê tăng 24% so với thực tế thực hiện năm 2017.
– Tổng doanh thu đạt 1.591 tỷ đồng bằng 134% so với thực tế thực hiện năm 2017.
– Kết quả tài chính năm 2018, Công ty ước lỗ 913 tỷ đồng giảm lỗ so với thực hiện năm 2017 (lỗ 933 tỷ đồng).
Số lỗ 913 tỷ đồng này bao gồm lỗ do phải hạch toán 611 tỷ đồng chi phí lãi vay vốn đầu tư nhận nợ từ Tập đoàn HCVN chuyển xuống (do Tập đoàn phải trả cho Ngân hàng thay cho Đạm Ninh Bình) và 120 tỷ đồng tiền trả lãi vay vốn ngắn hạn từ năm trước để lại không trả được cùng 87 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá phải hạch toán. Mặc dù đã được dãn 50% nhưng khấu hao 317 tỷ đồng, tăng hơn so với năm 2017 là 64 tỷ đồng cũng là khoản làm cho lỗ vẫn cao. Ngoài ra với 125 tỷ đồng thuế GTGT không được khấu trừ cũng làm gia tăng lỗ cho công ty.
Khó khăn lớn nhất của Đạm Ninh Bình hiện nay là không có vốn lưu động. Nguồn vốn cho chạy máy này của công ty vẫn chưa được các ngân hàng thương mại giải ngân, cho tăng hạn mức tín dụng mà vẫn trong giai đoạn thu dần nợ gốc, chỉ giải ngân nếu Công ty trả được nợ cũ với tỷ lệ trả 10 cho vay lại 9,5 tức là Ngân hàng sẽ lập tức thu nợ gốc 5%.
Vì thế để có vốn ngắn hạn, Đạm Ninh Bình phải huy động bằng cách bán hàng thu tiền trước, trả hàng sau từ các nhà phân phối. Bằng hình thức huy động vốn này, năm 2018 Đạm Ninh Bình tạm thời đã duy trì được hoạt động SXKD của mình. Vì thế nếu có cơ chế, được dãn, khoanh các khoản này lại thì SXKD của Đạm Ninh Bình sẽ có cơ thoát lỗ, hòa vốn.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù bị lỗ nhưng với giá bán cao hơn gần 800.000 đ/tấn so với chi phí biến đổi (tức là cao hơn chi phí trực tiếp bỏ ra để sản xuất trong kỳ), Công ty đã có lãi trên biến phí (số dư đảm phí) trên 200 tỷ đồng. Qua đó, đã trả được nợ quá hạn từ 2017 cho VCB và BIDV được gần 100 tỷ đồng, đã giảm dư nợ nhà cung cấp.
Một điểm sáng không thể không nhắc đến ở đây: sau khi khắc phục hoàn toàn sự cố cháy nổ do sét đánh thì nhà máy đã vận hành liên tục, tương đối ổn định từ cuối tháng 10/2018 đến nay với tổng thời gian gần 6 tháng, phụ tải bình quân đạt trên 80% công suất. Đây được đánh giá là một trong những quãng thời gian chạy máy liên tục, ổn định dài ngày nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Thành công này đã thể hiện sự tự tin, sự cố gắng bền bỉ của đội ngũ CBCNV Đạm Ninh Bình trong suốt thời gian qua.
Bước sang năm 2019, Đạm Ninh Bình không chỉ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đã và đang tồn tại mà còn phải đối mặt với vô vàn những phát sinh thách thức mới nặng nề hơn. Đó là tình trạng thiếu nguồn cung ứng than, giá điện, giá than vẫn liên tục tăng cao… Tuy nhiên tại Hội nghị người lao động, tập thể CBCNV công ty Đạm Ninh Bình mạnh dạn đề ra chỉ tiêu kế hoạch SXKD tốt hơn, hướng đến những mục tiêu lớn hơn so với năm 2018.
Mục tiêu chung cho năm 2019 đặt ra là:
– Công ty phấn đấu thực hiện thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh theo đúng kế hoạch chương trình hành động của Tập đoàn và Công ty phê duyệt;
– Khắc phục cơ bản các tồn tại của thiết bị, công nghệ để duy trì ổn định sản xuất, an toàn với phụ tải hợp lý.
Với một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
– Tổng sản lượng 350.000 tấn urê tăng so với thực hiện năm 2018 gần 1,4lần và 5.000 tấn NH3 thương phẩm. Tổng cộng quy đổi về urê là 355.000 tấn;
– Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế là: 2.400 tỷ đồng tăng so với thực hiện năm 2018 gần 1,5 lần;
– Tổng doanh thu dự kiến gần: 2.500 tỷ đồng tăng so với thực hiện năm 2018 hơn 1,5 lần.
Ngay từ những ngày đầu năm 2019, nhiều yếu tố khách quan đã làm tăng chi phí, tăng lỗ như: phải hạch toán chi phí lãi vay vốn đầu tư, chênh lệch tỷ giá phải hạch toán, khấu hao cao, thuế GTGT không được khấu trừ (tổng chi các khoản này hết khoảng trên 800 tỷ đồng). Riêng trong 3 đợt tăng giá than và 1 đợt tăng giá điện vừa qua lại tiếp tục làm công ty tăng thêm trên 100 tỷ đồng chi phí tức là tăng lỗ thêm trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) Đạm Ninh Bình vẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch SXKD năm 2019 đã đặt ra, thể hiện bằng hành động thiết thực ngay từ ngày đầu, tháng đầu xuân Kỷ Hợi.
Kết quả thực hiện hết quý I năm 2019 vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2018, thể hiện trên một số chỉ tiêu chủ yếu sau:
– Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 780 tỷ đồng bằng 162% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 109% kế hoạch quý I năm 2019 và bằng 32% kế hoạch cả năm 2019.
– Tổng sản phẩm urê sản xuất đạt 116 nghìn tấn bằng 153% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 112% kế hoạch quý I năm 2019 và bằng 34% kế hoạch cả năm 2019. Công suất phụ tải dây truyền sản xuất đạt trung bình trên 80%.
– Tiêu thụ urê trong đạt gần 76,8 nghìn tấn bằng 108% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 85% kế hoạch quý I năm 2019 và bằng 22% kế hoạch cả năm 2019.
– Doanh thu đạt 544 tỷ đồng bằng 118% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 85% kế hoạch quý I năm 2019 và bằng 22% kế hoạch cả năm 2019.
Kết quả SXKD chung quý I năm 2019 Công ty lỗ 135 tỷ đồng bằng 61% so với cùng kỳ năm 2018, tức là quý I giảm lỗ được gần 90 tỷ đồng so cùng kỳ.
Với đà kết quả SXKD tiến triển tốt trong quý I/2019 , Đạm Ninh Bình đang phát đi những tín hiệu tươi mới, sáng sủa hơn, để có thể tự tin vươn lên, dần vượt qua những khó khăn đã và đang phải đối mặt.
Trong khi chờ vào việc giải quyết các giải pháp kiến nghị và sự hỗ trợ của các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương, CBCNV Đạm Ninh Bình vẫn đang từng ngày, từng giờ hăng say lao động sản xuất để “vượt lên chính mình”.
Chúng ta hãy tin tưởng vào tập thể người lao động Đạm Ninh Bình và hãy cùng đón chờ những tin vui trong thời gian tới.
Trần Giang