Nới room tín dụng, “giải cơn khát vốn” cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhiều ngành đối mặt với rủi ro khi không thể tiếp cận được các khoản vay mới. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng, sau khi nhiều đơn vị đã cạn room từ 1-2 tháng nay.
"Tăng nhiệt cuộc đua" lãi suất tiền gửi ngành ngân hàngVietBank: Ngân hàng sống dựa nhờ đầu tư trái phiếuMSB và giấc mộng bá chủ hệ thống ngân hàng TMCPNgân hàng NCB: Thị giá cổ phiếu NVB quá lệch so với chất lượng tài sản thấp yếu

Doanh nghiệp trông chờ nới hạn mức tín dụng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng thương mại. Đây là nới cho từng Ngân hàng, còn chỉ tiêu điều hành tổng thể vẫn đang ở 14%.

Ngân hàng Nhà nước mặc dù không đưa ra con số cụ thể về số lượng ngân hàng hay mức độ room được nới tăng thêm là bao nhiêu, nhưng theo tìm hiểu từ một số ngân hàng thương mại, mức độ nới sẽ tùy thuộc vào sức khỏe tài chính và quy mô tín dụng của từng ngân hàng, với mức dao động từ 0,7% đến khoảng 4%.

Ví dụ những ngân hàng quốc doanh có quy mô cho vay lớn như Vietinbank, BIDV, tỷ lệ % tín dụng được nới chỉ khoảng 0,7%.

Riêng những ngân hàng có trách nhiệm tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém có hạn mức cao hơn, như Vietcombank (2,7%), MBBank (3,2%), HDBank (3,4%). Trong khi những ngân hàng thương mại cổ phần còn lại dao động từ khoảng 1% đến trên 2%.

Một số doanh nghiệp ví von việc nới room tín dụng lần này giống như "cơn mưa giải nhiệt mùa hè". Bởi vì sau giai đoạn tăng trưởng nhanh vào đầu năm, khoảng 2-3 tháng gần đây, những ngân hàng cạn room tín dụng đã siết lại cho vay, khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "khát vốn". Họ đang kỳ vọng rất nhiều vào khả năng tiếp cận vốn sau động thái này.

Bước vào cao điểm nhập nguyên liệu để sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng thêm khoảng 60%. Do đó, thông tin các ngân hàng thương mại được nới room tín dụng được doanh nghiệp ví như liều thuốc để đẩy mạnh sản xuất đón nhu cầu cuối năm.

Mở room tín dụng tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh cho biết: "Doanh nghiệp nào cũng mong muốn điều này để đáp ứng giá nguyên vật liệu tăng cao. Với kế hoạch những tháng cuối năm, đặc biệt là kế hoạch sản xuất hàng Tết nên nhu cầu vốn cao hơn. Chúng tôi mong muốn ngân hàng nới room tín dụng để chúng tôi có lượng vốn tốt hơn".

Theo nhận định Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, quyết định mở room tín dụng cho các ngân hàng để dòng chảy tín dụng vào hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả nhất.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ Tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định: "Việc nới room nên tập trung vào các doanh nghiệp có quá trình phục hồi tốt trong 8 tháng qua, tạo ra nhiều sản phẩm, sử dụng nhiều lao động… để họ duy trì sản xuất, tăng tích trữ nguyên, vật liệu và tăng tồn kho do thị trường chậm, tạo việc làm cho người lao động ổn định".

Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM cho hay: "Đây là lúc các hiệp hội cần phải giúp doanh nghiệp hội viên xây dựng kế hoạch kinh doanh, tạo sự minh bạch về công ty của mình cũng như có những sự tín nhiệm để ngân hàng có nguồn thông tin, ra quyết định tín dụng tốt hơn".

Ước tính cho thấy, với hạn mức mới được phân bổ, sẽ có khoảng hơn 400.000 tỷ đồng tín dụng có thể cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Mở rộng hạn mức tín dụng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn. Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ trong tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nhấn mạnh: kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội. Bởi nếu tín dụng tăng trưởng cao quá mức sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, phía các doanh nghiệp cũng nên tìm cách đa dạng các nguồn vốn huy động, tránh phụ thuộc quá mức vào vốn vay ngân hàng, đặc biệt cần kiểm soát dòng tiền.

Đâu là những tiêu chí quan trọng nhất để quyết định xem một ngân hàng được tăng trưởng tín dụng nhiều hay ít? Dòng vốn tín dụng được tăng thêm có đủ để giải tỏa "cơn khát vốn" của doanh nghiệp?

Vốn vay ngân hàng cũng chỉ là một trong số nhiều dòng vốn doanh nghiệp có thể dùng cho sản xuất kinh doanh. Phía các doanh nghiệp cần có giải pháp gì để tránh phụ thuộc quá mức vào vốn ngân hàng?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, kiến nghị: “Theo tôi, không nên chờ đến quý IV hoặc cuối năm khi giá cả, lạm phát êm rồi mới nới room tín dụng. Bởi vì làm như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi thực của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Không nới room kịp thời thì cũng sẽ khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất”.

Huyền Diệu

Xem thêm

Liên kết