Nồng độ bụi mịn ở 80% quốc gia vượt mức giới hạn của WHO

Trong năm 2020, nồng độ bụi mịn đo được ở 80% số quốc gia trên thế giới đã vượt mức giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất chấp tình trạng phong tỏa do đại dịch Covid-19.
Chất lượng không khí Hà Nội đã được cải thiện đáng kểÔ nhiễm không khí khiến số người tử vong tăng caoLợi ích của công trình xanh trong bối cảnh ô nhiễm không khí

Theo báo cáo của IQAir công bố ngày 16/3, việc nhiều nước đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần hoạt động giao thông vận tải và sản xuất trong nhiều tháng của năm 2020 đã giúp giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trên toàn thế giới, kể cả ở các thành phố lớn.

Cụ thể, nồng độ bụi mịn đã giảm 11% ở Bắc Kinh (Trung Quốc), 13% ở Chicago (Mỹ), 15% ở New Delhi (Ấn Độ), 16% ở London (Anh) và 16% ở Seoul (Hàn Quốc).

Nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và là đồng tác giả của báo cáo, Lauri Myllyvirta, nhận định, trong năm vừa qua, chất lượng không khí ở nhiều nơi trên thế giới đã được cải thiện song chỉ trong thời gian ngắn. Nhờ đó, hàng chục nghìn người đã tránh được nguy cơ tử vong do ô nhiễm không khí.

tm-img-alt
Ô nhiễm không khí có liên quan tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết chỉ có 24 trong số 106 quốc gia được khảo sát đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của WHO. Trung Quốc và nhiều quốc gia ở Nam Á chứng kiến nồng độ PM2.5 cao gấp vài lần so với mức tiêu chuẩn. Ở một số khu vực, nồng độ bụi mịn thậm chí còn cao gấp 6-8 lần. Đáng lưu ý, 22% số thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới nằm ở Ấn Độ.

Nồng độ PM2.5 trung bình hằng năm ở Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Mông Cổ và Afghanistan đạt 47-77 mcg/m3. Theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, nồng độ PM2.5 không nên vượt quá 25 mcg/m3 trong 24 giờ và 10 mcg/m3 trong cả năm.

Các thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới trong năm 2020 là New Delhi (Ấn Độ, 84 mcg/m3) và Dhaka (Bangladesh, 77 mcg/m3), trong đó Jakarta (Indonesia), Kathmandu (Nepal), Islamabad (Pakistan) và Bắc Kinh nằm trong tốp 20. Khoảng 50% số thành phố ở châu Âu vượt mức giới hạn của WHO.

Việt Nam – quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm không khí

Là quốc gia đang phát triển, có lượng dân số tăng quá nhanh và kéo theo đó là lượng rác thải, phương tiện giao thông tăng vọt, các khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện xuất hiện ngày càng dày đặc, Việt Nam đang đối diện với những hậu quả rõ rệt hơn của ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi PM.

Hiện nay, so với các thành phố khu vực châu Á, các thành phố của Việt Nam có mức độ ô nhiễm bụi PM tương đối cao. Theo thống kê của WHO năm 2016, nồng độ trung bình năm của PM2.5 của các đô thị ở Việt Nam khoảng 28 μg/m3, cao hơn 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm từ WHO là 10 μg/m3.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO), Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe môi trường lớn nhất mà hầu hết các thành phố ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt.

Trong số tất cả các chất gây ô nhiễm không khí, bụi mịn với đường kính động học nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) là chất ô nhiễm được quan tâm nhiều nhất do chúng gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như đến hệ thống khí hậu.

Tại Việt Nam, các phương pháp quan trắc chất lượng không khí hiện nay còn nhiều hạn chế do mật độ trạm quan trắc cố định còn thấp do chi phí lắp đặt và vận hành cao, độ tin cậy chưa cao của mạng lưới cảm biến chi phí thấp mặc dù mật độ dày đặc, và tần suất quan trắc thấp của công nghệ ảnh vệ tinh.

Các hạn chế này khiến việc theo dõi và kiểm soát chất lượng không khí, đặc biệt tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5, trở nên khó khăn và chưa toàn diện.

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí có liên quan tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Cũng theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi giờ có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp 3-5 lần số người chết vì sốt xuất huyết và HIV.

Tại Việt Nam, với sự phát triển của một số lĩnh vực như công nghiệp, vận tải, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng và có tới 34.332 người tử vong sớm có liên quan tới ô nhiễm không khí. Thành phố Hà Nội và TP.HCM thường xuyên chìm trong khói bụi, mây mù, chất lượng không khí vượt ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mọi đối tượng, kể cả người khỏe mạnh.

Hà Lan
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết