Trong số 96 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 32 trong khi đầu tháng 3 Hà Nội đứng thứ 12.
Theo thang bảng này, 25 thành phố có chỉ số chất lượng không khí AQI tốt (màu xanh), trong đó 10 thành phố tốt nhất gồm 5 thành phố của Hoa Kỳ là Seatle, Salt Lake, Portland, San Francisco, Los Angeles; 2 thành phố của Australia là Melbourne, Syney; thành phố Oslo của Na Uy; thành phố Krasnoyarsk của Nga và Osaka của Nhật Bản.
Lúc 7h, ứng dụng PAM Air chỉ ghi nhận 3 điểm quan trắc ở Hà Nội có màu đỏ (mức xấu), còn lại hầu hết có màu vàng (mức trung bình) và cam (mức kém). Đến 10h, số điểm quan trắc có màu đỏ tăng lên 14 điểm, hầu hết các điểm còn lại có màu cam.
Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lúc 7h không ghi nhận điểm nào ở Hà Nội có chỉ số AQI màu đỏ, chủ yếu màu xanh và vàng, đến 10h, số điểm màu vàng nhiều hơn với 17 điểm.
Còn tại Website moitruongthudo.vn, lúc 7h, chỉ ra tất cả các điểm quan trắc chất lượng không khí đều màu xanh và vàng tức chất lượng không khí ở mức tốt và chấp nhận được, trong đó có tới 18 điểm màu xanh. Đến 10h, số điểm màu xanh giảm xuống còn 16 điểm.
Trong ngày 7-8/3, chất lượng không khí ghi nhận tại một số đơn vị quan trắc cũng cho thấy: chất lượng không khí AQI đều ghi nhận tác động của sự thay đổi này. Hà Nội có 12 điểm có chỉ số chất lượng không khí màu xanh, còn lại 16 điểm màu vàng. Một số điểm quan trắc khác ghi nhận, thành phố Hà Nội không có điểm nào ở mức có hại, có 10 điểm màu xanh, còn lại là màu vàng tại tất cả các điểm quan trắc chỉ số chất lượng không khí.
Mặc dù chất lượng không khí được cải thiện, tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm chống bụi mịn; thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế).
Sẽ ban hành quy chuẩn quốc gia đối với khí thải
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, năm 2021, Bộ TN&MT sẽ triển khai một số giải pháp thúc đẩy giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Trong đó có việc rà soát, hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí môi trường xung quanh, đảm bảo tiêu chí tiệm cận với tiêu chuẩn các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, sẽ ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV.
Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cơ quan này đang phối hợp Tổng cục Môi trường và một số cơ quan liên quan thúc đẩy dự báo chất lượng không khí, lồng ghép vào bản tin thời tiết hằng ngày. Ông Thái cho biết, hiện nay, dữ liệu phục vụ dự báo chất lượng không khí rất thiếu. Vì vậy, việc đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang từng bước nâng cấp, tích hợp hệ thống quan trắc không khí trong mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, sẽ làm việc với các ban, ngành liên quan như giao thông, công thương… để tập hợp các nguồn phát thải. “Khi nguồn dữ liệu đầy đủ hơn, dựa vào các mô hình dự báo, có thể tiến hành dự báo, cảnh báo chất lượng không khí tại một số đô thị, trước tiên là Hà Nội và TP.HCM”, ông nói.
Minh Phương