Nửa đầu năm 2019, nhiều ngân hàng đua báo lãi “khủng”

Bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2019 có nhiều điểm sáng với con số lợi nhuận nghìn tỉ. Đáng chú ý, Vietcombank, ACB và HDBank đang tạm dẫn đầu nhóm ngân hàng về kết quả lợi nhuận cao nhất.
Sau sự cố “bốc hơi” 500 triệu đồng, bảo mật của Vietcombank vẫn mong manh?Thấy gì từ con số lãi 11.280 tỉ đồng của Vietcombank?Soi “sức khoẻ” tài chính Deutsche Bank và cái giá của tăng trưởng “nóng”

Đến thời điểm này, có hơn chục ngân hàng đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2019. Đánh giá chung là lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng trưởng khả quan nhờ dư nợ cho vay tăng tích cực, kiểm soát nợ xấu…

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) hiện dẫn đầu khối ngân hàng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 11.303 tỉ đồng, tăng 40,99% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 55,14% so với chỉ tiêu năm. Trong đó, lợi nhuận của quý 2 đạt 5.425 tỉ đồng, tăng trưởng gần 48% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kết quả quý 1 năm nay (đạt 5.878 tỉ đồng).

nua dau nam 2019 nhieu ngan hang dua bao lai khung
Lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng trưởng khả quan nhờ dư nợ cho vay tăng tích cực

Đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Vietcombank đạt lên tới 1122,97 tỉ đồng, tăng 4,55% so với tổng tài sản từ đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tính tới 31/6/2019 lên đến 695,46 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước. Tỉ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,03% tổng dư nợ, tương ứng hơn 7.133 tỉ đồng nợ xấu. Trong số này, nợ xấu nhóm 5 – 5 có nguy cơ mất vốn có hơn 4.761 tỉ đồng, chiếm tới 67% nợ xấu.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) cũng khởi sắc với luỹ kế lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 3.620 tỉ đồng, bằng gần 50% chỉ tiêu cả năm. Trước đó, ACB cho biết lợi nhuận trước thuế quý 1/2019 đạt 1.706 tỉ đồng, do đó, lợi nhuận quý 2 năm nay ước tính khoảng 1.914 tỉ đồng, tăng 12,19%.

Chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, đại diện ngân hàng ACB cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng giới hạn cho vay từ mức 13% lên 17% nhờ triển khai sớm và đạt chuẩn Basel II. Nhưng ACB vẫn thực hiện tăng trưởng tín dụng theo hướng thận trọng và kiểm soát. Tính đến 30/6/2019, tín dụng của ACB tăng trưởng ở mức 9%, tương ứng thêm 20.000 tỉ đồng dư nợ. Trong đó, có 14.000 tỉ đồng từ khách hàng cá nhân và 6.000 tỉ đồng từ cho vay doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu ACB được kiểm soát tốt ở mức 0,7% dư nợ.

Ngân hàng đứng thứ 3 về kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDbank, mã: HDB). Cụ thể, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đã vượt mức 2.200 tỉ đồng, các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 20%, thuộc nhóm cao so với toàn ngành. Tổng dư nợ đạt hơn 144.000 tỉ đồng, đồng thời tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tiếp tục được kiểm soát ở mức 1%.

Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng khác cũng tăng trưởng tích cực, ghi nhận lợi nhuận ở mức nghìn tỉ như MB, VIB, TP Bank, Sacombank…

Theo báo cáo tài chính, trong quý 2/2019, Ngân hàng Quân Đội (MB, mã: MBB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 2.000 tỉ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng mạnh 25% đạt gần 4.400 tỉ đồng, lãi thuần từ dịch vụ hơn 1.054 tỉ đồng, tăng trưởng 59%... Lũy kế 6 tháng đầu năm, MB ghi nhận thu nhập đạt hơn 11.600 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng giai đoạn năm 2018, lợi nhuận trước thuế gần 4.000 tỉ đồng, tăng trưởng 29,3%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 11,3%, đạt hơn 239.000 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Thương tín Sài Gòn (Sacombank, mã: SCB) cũng nằm trong danh sách ngân hàng báo lãi nghìn tỉ đồng, tình hình kinh doanh cải thiện tích cực. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của quý 2 ước đạt hơn 439 tỉ đồng, nâng luỹ kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay lên gần 1.500 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm. Tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 439.000 tỉ đồng, tăng khoảng 8,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 10,2% đạt hơn 279.000 tỉ đồng so với đầu năm 2019.

Sacombank đã giảm dần tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,2% hồi đầu năm xuống còn 2,1% ở cuối quý I/2019 và hết quý 2 chỉ còn ở mức 1,96%. Trong 6 tháng qua, ngân hàng đã xử lý được hơn 11.000 tỉ đồng và tính từ khi triển khai Đề án tái cấu trúc đến nay, Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỉ đồng nợ.

Ở nhóm nhà băng quy mô vốn vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) tiếp tục ghi nhận quý kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng mạnh gần 60%, đạt 1.010 tỉ đồng. Luỹ kế lợi nhuận 6 tháng qua tăng trưởng 58,21%, đạt 1.820 tỉ đồng và là con số lợi nhuận kỷ lục của VIB.

Đến hết quý 2, dư nợ cho vay khách hàng của VIB đã tăng 19,08% đạt mức 114.484 tỉ đồng. Nhưng đi cùng với quy mô tín dụng, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng mạnh, khiến chi phí trích lập dự phòng tăng lên 1.097 tỉ đồng. Nợ xấu chiếm 2.597 tỉ đồng, tương đương 2,35% dư nợ.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng liên tục báo lãi tích cực, cụ thể, luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua đạt 1.620 tỉ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ và hoàn thành 50,6% kế hoạch đề ra. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng gần đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 605 tỉ đồng.

Tuy nhiên, điểm đáng ngại là chất lượng tín dụng của TPbank còn chưa xử lý dứt điểm. Ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ ở mức 1,47% dư nợ, song báo cáo cho thấy, TPBank còn có một phần nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Do đó, TPBank đã phải trích thêm dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC là 224 tỉ đồng. Trong quý 2, ngân hàng đã chủ động mua lại tới gần 330 tỉ đồng và số dư trái phiếu đặc biệt VAMC cuối kỳ chỉ còn hơn 426 tỉ đồng.

Kienlongbank là ngân hàng có mức lợi nhuận khiêm tốn nhất, đạt 148,5 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 48% kế hoạch cả năm. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Kienlongbank tăng 12,7% lên mức 47.670 tỉ đồng. Dư nợ tín dụng ở mức 31.037 tỉ đồng, tăng 5,3%; trong đó, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,15%. Huy động tiền gửi khách hàng ở mức 30.758 tỉ đồng, tăng 5,3%.

Anh Thư
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết