Tại hội nghị tổng kết 6 tháng kinh doanh ngày 12/7, lãnh đạo Vietcombank đã cập nhật kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm với các chỉ tiêu tăng trưởng khả quan.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, với mục tiêu hoàn thành sớm Đề án cơ cấu lại Vietcombank đến 2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, đến ngày 30/06/2019, ngân hàng đã đạt được khoảng 11.280 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Như vậy, con số lợi nhuận của quý 2 ước tính khoảng 5.400 tỉ đồng, tăng trưởng gần 48% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kết quả quý 1 năm nay (đạt 5.878 tỉ đồng).
Năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế rất cao ở mức 20.500 tỉ đồng và trong nửa đầu năm, đã hoàn thành 55% kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng Vietcombank đạt 11.045 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019 |
“Với kết quả rất khả quan, Vietcombank quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 2019 với mục tiêu tăng tổng tài sản lên 12%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%, tín dụng tăng 15%, giảm tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 1%, tăng lợi nhuận trước thuế tới 12%”, lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Ông Phạm Quang Dũng cũng cập nhật các chỉ số kinh doanh gồm ROAA đạt 1,62% và ROAE ở mức 25,19%, tăng mạnh so với năm ngoái và cao hơn mặt bằng chung các tổ chức tín dụng (TCTD).
Hiện, Vietcombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2019 để có thể tìm hiểu rõ hơn về kết quả kinh doanh và thay đổi các chỉ tiêu tài chính, tình hình nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro… Ngay từ đầu năm, Vietcombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn ở mức 15% so với năm trước để tăng hiệu quả và tạo dư địa cơ cấu danh mục trong năm. Ngoài ra, nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép, Vietcombank sẽ chủ động thanh khoản và tăng trưởng tín dụng cao hơn mức hiện tại.
Được biết, đến hết 31/3/2019, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đạt 661.260 tỉ đồng, tăng gần 6,4% so với hồi đầu năm và là mức tăng khá hơn các quý 1 cùng kỳ của 2 năm trước đó. Số dự phòng rủi ro cho vay trong quý 1 đã tăng hơn 1.467 tỉ đồng so với đầu năm, lên gần 11.761 tỉ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chất lượng nợ xấu của Vietcombank đến cuối tháng 3/2019 đã tăng lên mức 6.955 tỉ đồng, chiếm 1,03% tổng dư nợ. Trong đó, chủ yếu do nợ nhóm 3 – dưới tiêu chuẩn có sự tăng đột biến gấp 3 lần lên 981 tỉ đồng, còn nợ nhóm 5 – có nguy cơ mất vốn tăng 3,2% lên 4.926 tỉ đồng.
Ngoài tăng trưởng cho vay khách hàng, quy mô chứng khoán đầu tư của Vietcombank cũng tăng lên mức 155.997 tỉ đồng. Trong đó, chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn bao gồm trái phiếu chính phủ, chứng khoán nợ của các TCTD, trái phiếu doanh nghiệp lên tới 122.425 tỉ đồng, tăng hơn 8.175 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Mặc dù lợi nhuận của Vietcombank vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong các năm gần đây, nhưng một vấn đề được lãnh đạo nhà băng này trăn trở là chia cổ tức cho cổ đông. Theo phương án trình lên Đại hội cổ đông, Vietcombank đưa ra mức cổ tức 10% bằng cổ phiếu để giữ lại lợi nhuận phục vụ hoạt động tăng vốn, kinh doanh. Bởi nhiều năm qua, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 53.000 tỉ đồng của ngân hàng vẫn còn dở dang, chưa thực hiện được dù Đại hội cổ đông thường niên đã thông qua. Trong giới hạn quy mô vốn hạn hẹp, Vietcombank sẽ khó cửa tăng tín dụng trong các năm tới để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Vướng mắc nhất có lẽ từ phía Bộ Tài chính hàng năm vẫn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo Vietcombank lựa chọn phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, nhằm thu hồi về ngân sách khoản lợi tức hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Ngoài Vietcombank, Bộ Tài chính cũng liên tục “đòi” cổ tức từ BIDV và Vietinbank thông qua việc chọn phương án cổ tức tiền mặt.
Được biết, đến 31/3/2019, số lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo của Vietcombank là hơn 20.846 tỉ đồng, được dồn lại từ nhiều năm qua và khoảng 5.056 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần… Đây chính là nguồn vốn dư dả để ngân hàng thực hiện tăng vốn điều lệ dễ dàng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn của Basel II. Vietcombank có thể lựa chọn tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ, hay lựa chọn cách chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu…
Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao được duy trì như các năm qua và dự kiến chạm mốc 20.500 tỉ đồng vào cuối năm 2019 thì giá cổ phiếu VCB sẽ tăng tích cực hơn. Hiện, thị giá VCB đang giao dịch ở mức 73.700 đồng/CP, tăng gần 42% so với giá đáy hồi năm 2018.