Ô nhiễm cảng biển đang dần huỷ hoại hệ sinh thái ven bờ

Cảng biển đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế nước ta, nhưng lại ẩn chứa nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và con người. Để hạn chế ô nhiễm phải có biện pháp hợp lý về xây dựng và vận hành cảng biển nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Xanh hóa cảng biển để phát triển bền vữngÔ nhiễm cảng biển đang ở mức báo độngXây dựng, phát triển cảng biển xanh tại Việt Nam

Hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 6 nhóm, với 45 cảng biển đang hoạt động. Tính đến năm 2019, tổng số bến cảng được công bố là 281 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Với mật độ cảng biển dày đặc, Việt Nam đang đứng trước mối lo lớn do nguy cơ ô nhiễm đại dương ngày càng tăng cao.

Cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác, việc khai thác cảng biển có thể sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường.

Các nguồn gây ô nhiễm biển trong hoạt động hàng hải, thủy sản, du lịch, dầu khí và các hoạt động thương mại khác rất đa dạng và phức tạp: ô nhiễm do dầu, ô nhiễm do hóa chất lỏng chở xô trên tàu, ô nhiễm do các loại hàng nguy hiểm vận chuyển bằng tàu; ô nhiễm do rác thải, ô nhiễm do nước thải, ô nhiễm không khí... Ngoài ra, nguồn ô nhiễm còn do sơn chống hà sử dụng cho thân tàu, ô nhiễm do các vật liệu độc hại dùng để đóng tàu, do sự di chuyển của các loài thủy sinh vật thông qua nước dằn tàu.

Ô nhiễm môi trường từ các hoạt động kinh doanh vận tải cảng biển khiến hệ sinh thái ven bờ bị huỷ hoại. (Ảnh minh họa)

Thách thức lớn từ ô nhiễm cảng biển

Rõ ràng, nguồn gây ô nhiễm biển từ các hoạt động nói trên là rất lớn với sự phát triển rất nhanh của các phương tiện vận tải biển trong những năm qua. Các nguồn gây ô nhiễm này thực sự đã trở thành nguy cơ vô cùng to lớn đối với môi trường biển, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và góp phần không nhỏ vào biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo số liệu thống kê gần đây, trong 5 năm qua, lượng tàu biển vào hoạt động tại khu vực cảng biển TP.HCM cũng gia tăng chóng mặt. Tổng số lượt tàu biển vào TP.HCM từ 18.667 lượt (năm 2014) tăng lên 20.550 lượt (năm 2018), 8 tháng đầu năm 2019 đạt gần 14.100 lượt tàu. Số lượt phương tiện thủy nội địa tăng từ 58.276 lượt (năm 2014) lên ngưỡng hơn 95.330 lượt (năm 2018). Tương tự tại khu vực cảng biển Vũng Tàu, 2 năm qua, lượng tàu cập cảng cũng gia tăng đáng kể.

Những năm trở lại đây, lượng tàu, thuyền vào khu vực cảng biển Hải Phòng cũng ngày càng tăng. Nếu như năm 2013, tổng số tàu vào Hải Phòng đạt khoảng 16.800 lượt, đến năm 2018, con số này tăng lên gần 18.000 lượt. 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 8.600 lượt. Đó là chưa kể hàng chục nghìn lượt phương tiện thủy nội địa ra vào khu vực này.

Việc gia tăng khối lượng hàng hóa qua cảng biển nói chung và hàng nguy hiểm nói riêng sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ quá trình bốc xếp và lưu giữ hàng nguy hiểm tại các cảng biển Việt Nam.

Khả năng gây ô nhiễm từ hoạt động hàng hải rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm do khí thải và nước thải từ các phương tiện vận tải. Nước thải thường phát sinh từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi và kho chứa hàng.

Trong đó, nước thải công nghiệp tàu biển thường chứa hàm lượng cao dầu khoáng, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng đe dọa nghiêm trọng chất lượng nước biển khu vực tiếp nhận nước thải, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái ven bờ.

Tại cảng biển cũng xuất hiện hiện tượng ô nhiễm dầu mỡ do các phương tiện để rò rỉ nước dằn tàu, nước buồng máy, các hoạt động nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải gây ô nhiễm vùng nước cảng biển.

Đặc biệt, tràn dầu đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Theo kết quả nghiên cứu, khi sự cố ô nhiễm dầu xảy ra, các hệ sinh thái đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô.

Lượng tàu thuyền gia tăng cùng hoạt động nạo vét luồng hàng hải là những nguyên nhân gây ô nhiễm vùng nước cảng biển. (Ảnh minh họa)
Ô nhiễm dầu đã làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái từ tác động của các tai biến. Khi chảy loang trên mặt nước, dầu tạo thành váng và bị biến đổi tính chất. Hàm lượng dầu trong nước tăng, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa không khí và nước. Dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái, có thể gây suy vong hệ sinh thái. Dầu chứa nhiều thành phần khác nhau, khiến môi trường bị ô nhiễm.

Lượng tàu gia tăng cho thấy cảng biển Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên bản đồ hàng hải thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Song, đi kèm với đó là thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động kinh doanh, vận tải cảng biển.

"Xanh hóa" cảng biển để phát triển bền vững

Với mật độ cảng biển dày đặc, Việt Nam đứng trước mối lo lớn do nguy cơ ô nhiễm tăng cao. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các đơn vị xây dựng Đề án “Phát triển cảng xanh tại Việt Nam” nhằm đưa ra những tiêu chí đánh giá cảng xanh phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Cảng Tân Cảng - Cát Lái là cảng biển đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được trao giải thưởng Cảng xanh năm 2018.

Một cảng xanh, hay còn gọi là cảng sinh thái, đại diện cho mô hình phát triển cảng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu của môi trường mà còn làm tăng lợi ích kinh tế của cảng. Việc đưa thuật ngữ này vào quy hoạch phát triển cảng có ý nghĩa đối với các cải tiến công nghệ trong sản xuất hiệu quả năng lượng (đổi mới công nghệ, thiết bị cải tiến mới,...) cho phép phối hợp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

Năm 2019, cảng Tân Cảng - Cát Lái do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Bộ Quốc phòng quản lý là cảng biển đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được các tiêu chí đó và đã được Hội đồng dịch vụ Cảng biển APEC (APSN) trao giải thưởng Cảng xanh năm 2018.

Thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Đây là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới nhằm kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng ngừa tốt các sự cố, rủi ro môi trường, hạn chế phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết