Báo cáo Triển vọng Môi trường toàn cầu (GEO), do 250 nhà khoa học từ 70 quốc gia trên thế giới thực hiện trong 6 năm, đã chỉ ra cách biệt ngày càng lớn giữa các quốc gia giàu có và các quốc gia nghèo khó khi tình trạng tiêu thụ quá mức, ô nhiễm và lãng phí thực phẩm ở các quốc gia giàu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo, đói và dịch bệnh ở những nơi khác của thế giới.
Do tác động của hiệu ứng nhà kính, tình trạng hạn hán,lũ lụt và siêu bão ngày càng nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao. Chính giới ở nhiều quốc gia bắt đầu nhận ra biến đổi khí hậu có thể gây ra vô số nguy cơ.
Năm 2015, các lãnh đạo trên thế giới đã thống nhất Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó mỗi quốc gia cam kết hành động để cắt giảm khí thải nhà kính giúp kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Cũng theo báo cáo của tổ chức GEO, cho thấy các điều kiện môi trường khắc nghiệt gây ra gần 25% các ca dịch bệnh và tử vong trên toàn thể giới.Chỉ tính riêng năm 2015, đây là nguyên nhân dẫn tới khoảng 9 triệu ca tử vong.
Khoảng 1,4 triệu người mỗi năm tử vong do các bệnh có thể phòng tránh được như tiêu chảy và các bệnh ký sinh trùng do dùng nguồn nước ô nhiễm và kém vệ sinh.
Báo cáo GEO cũng chỉ ra ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới 6-7 triệu ca chết non mỗi năm. Đến giữa thế kỷ này, nếu tình trạng sử dụng kháng sinh trong sản xuất thực phẩm tiếp tục diễn ra thiếu kiểm soát thì các loại siêu vi trùng kháng thuốc sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chết non.
Báo cáo trên kêu gọi “thanh lọc” tận gốc trong hành xử của con người, kêu gọi các quốc gia trên thế giới nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính và việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu để cải thiện chất lượng không khí và nguồn nước.
Trần Giang(t/h)