Ô nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng

Hiện nay, cả nước có 904 bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc tập kết chất thải cấp xã, trong đó, 49,1% bãi chôn lấp có diện tích nhỏ hơn 1 ha, hầu hết các bãi chôn lấp đều quá tải, gần 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải điện tử tại Việt NamBáo động ô nhiễm rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệpBáo động ô nhiễm rác thải nhựa trên khắp trái đấtBáo động tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Khối lượng ngày càng tăng

Theo báo cáo, trong năm 2020, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ngày càng lớn, có cơ cấu thành phần phức tạp. Tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 51/63 tỉnh/thành phố là khoảng 66.904 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 21.957 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 44.874 tấn/ngày ). Các địa phương có khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Đồng Nai, Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).

Tỉ lệ chất thải nhựa trong CTR sinh hoạt khoảng 10 – 12%, một số thành phố lớn, đặc biệt là thành phố có hoạt động du lịch phát triển, có tỉ lệ cao hơn trung bình cả nước như Hội An (14%), Hải Phòng (12,2 – 14,2%), TP.HCM (13,9%), Quận Thốt Nốt, Cần Thơ (15,1%). Ước tính có gần 3,0 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2020, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.

tm-img-alt

CTR y tế phát sinh trong năm có sự gia tăng. Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 23.925 tấn (tăng 2.015 tấn so với năm 2019).

Đáng chú ý là theo báo cáo của các địa phương, lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh khoảng 1.590.987 tấn (tăng 457.910 tấn so với năm 2019), tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, điện tử, hóa chất.

Bên cạnh đó, lượng CTR nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) phát sinh lớn. CTR phát sinh do hoạt động trồng trọt là 995,14 nghìn tấn (chủ yếu là túi nilon, bao bì phân bón và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng), trong đó 919,36 nghìn tấn CTR từ cây hàng năm, 3,72 nghìn tấn từ cây ăn quả, 17,66 nghìn tấn từ cây công nghiệp lâu năm, 54,4 nghìn tấn từ cây rau . Lượng phân bón hóa học bị thất thoát, không được cây trồng hấp thụ, phát thải ra môi trường trong trồng trọt trên phạm vi cả nước là khoảng 386,78 kg/ha .

CTR phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm của các trang trại và nông hộ trên cả nước khoảng 51,15 triệu tấn (tăng 1,23 triệu tấn so với năm 2019, nguyên nhân là do đàn lợn được phục hồi, đàn bò và gia cầm phát triển mạnh); CTR phát sinh từ hoạt động giết mổ của 10 tỉnh có số liệu là khoảng 142,8 nghìn tấn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh khoảng 1.089,87 triệu tấn bùn thải, 288,46 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại CTR khác.

Số lượng tăng chóng mặt, nhưng theo đánh giá tại báo cáo thì rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước.

Tỉ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị trung bình cả nước là 93,7%, nông thôn là 83%. Như vậy, còn 6,3% khối lượng CTR sinh hoạt đô thị và 17% khối lượng CTR sinh hoạt nông thôn không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh.

Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý

Trước thực trạng trên, nhiều công nghệ xử lý rác trong và ngoài nước cũng đã được áp dụng tại Việt Nam như công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy, đốt phát điện, sản xuất phân compost… giải quyết một lượng lớn rác thải cho các địa phương, nhưng sau một thời gian áp dụng cũng bộc lộ một số bất cập, làm phát sinh những vấn đề ô nhiễm trường.

Từng trao đổi với VOV về vấn đề này, GS Hoàng Xuân Cơ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, trường Đại học khoa học Tự nhiên cho rằng, xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp có nhược điểm là tốn diện tích, xảy ra tình trạng quá tải và ô nhiễm tại các khu vực chôn lấp rác nên rất khó mở rộng.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện và kiểm soát thực hiện còn một số bất cập, vấn đề quản lý và thực hiện còn nhiều lỗ hổng. Trên giấy tờ thì rất khoa học nhưng lúc thực hiện có nhiều bất cập xảy ra. Bất cập ở đây là vận chuyển đến và chôn lấp tập trung, gây ô nhiễm, gây phản ứng của người dân".

Với lượng rác thải trung bình mỗi năm phát sinh 25 triệu tấn và không ngừng tăng theo tốc độ đô thị hóa, trong khi các bãi chôn lấp rác đã quá tải, thì công nghệ đốt rác được coi là giải pháp cho nhiều địa phương khi có thể giải quyết được từ 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm, mùi hôi, có thể tận dụng nhiệt để phát điện.

Tuy nhiên, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội khoa học Nhiệt Việt Nam cho rằng, công nghệ đốt rác chỉ phát huy hiệu quả với điều kiện, các lò đốt phải được xây dựng thiết kế và hoạt động theo đúng nguyên lý, đảm bảo duy trì nhiệt độ ở mức trên 1.200 độ - mức nhiệt khiến dioxin phân hủy thành các chất không độc hại. Song thực tế, nhiều lò đốt rác không đảm bảo điều này.

"Chúng tôi đi kiểm tra, người ta đốt rác nhưng nhiệt độ buồng thứ cấp người ta chỉ nâng lên tối đa 1050 độ và giữ khói đó trong 2s, nhưng mà thực sự không thể khử được dioxin. Sai về nguyên lý. Hiện nay rất nhiều lò đốt rác không đạt được nhiệt độ này", ông Nghĩa cho biết.

Một số nhà máy đưa ra giải pháp sử dụng than hoạt tính để hấp thu dioxin, nhưng chưa có đủ căn cứ để khẳng định tính hiệu quả của phương pháp này cũng như mức độ an toàn cho đất và nguồn nước, khi chôn lấp than. Đó là chưa kể, một lượng lớn tro xỉ từ các nhà máy xử lý rác cùng hàng trăm lò đốt công suất nhỏ ở các địa phương đang ngày đêm phát thải ra môi trường.

Minh Phương
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường