Vi nhựa đại dương là những hạt hoặc sợi nhựa nhỏ trôi lơ lửng trong nước, nơi chúng được cá tiêu thụ. Khi những con cá đó bị con người hoặc các động vật khác ăn, các vi nhựa sẽ truyền vào cơ thể chúng, có nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Ngoài ra, sự có mặt của một lượng lớn vi nhựa trong các hệ sinh thái thủy sinh có tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh vật thủy sinh, động vật phù du hoặc động vật ở các bậc dinh dưỡng thấp. Bởi vì chúng có thể lầm tưởng vi nhựa với thức ăn và vô tình ăn phải.
Sự tích lũy vi nhựa trong cơ thể động vật có thể gây ra các nguy cơ đối với sức khỏe của chúng như làm tắc khí quản gây ngạt thở, hoặc tác động xấu tới hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật.
Các nghiên cứu trước đây đã xác định rằng một lượng lớn vi nhựa đến từ bao bì nhựa và các loại rác thải khác, chúng dần bị hư hỏng sau khi bị đổ hoặc trôi ra biển. Các nguồn khác bao gồm sợi dệt tổng hợp đi vào dòng nước thải từ máy giặt, thậm chí là các hạt cao su lốp ô tô bị cuốn trôi trên đường và xuống cống thoát nước mưa.
Trước những hiện tượng đó, các nhà khoa học từ Đại học Plymouth của Anh đã tự hỏi liệu những sợi dây polyme được sử dụng để kéo lưới đánh cá cũng có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nhựa đại dương.
Theo đó, các mô phỏng dựa trong phòng thí nghiệm và trên các thí nghiệm thực địa, ban đầu các nhà khoa học xác định rằng những sợi dây thừng 1 năm tuổi giải phóng khoảng 20 mảnh vi nhựa vào đại dương cho mỗi mét (3,3 ft) được kéo đi. Con số đó đã tăng lên 720 mảnh mỗi mét đối với dây thừng hai năm tuổi và hơn 760 đối với dây thừng 10 năm tuổi.
Với những con số đó, người ta ước tính rằng sợi dây mới dài 50 m (tương đương 164 ft) có khả năng giải phóng từ 700 đến 2.000 mảnh vi nhựa mỗi lần nó được kéo vào. Đối với những sợi dây cũ hơn, con số có thể lên tới 40.000 mảnh.
Theo Tiến sĩ Imogen Napper, nhà khoa học chính của nghiên cứu cho biết, những ước tính này được tính toán sau khi vận chuyển một vật nặng 2,5 kg. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực hàng hải sẽ có khối lượng lớn hơn nhiều, tạo ra nhiều ma sát hơn và có khả năng nhiều mảnh vỡ hơn. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các tiêu chuẩn về bảo trì, thay thế và tái chế đối với các sợi dây trong ngành công nghiệp hàng hải.
Do đó, nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới trong thiết kế dây tổng hợp với mục đích cụ thể là giảm lượng khí thải vi nhựa.
Vi nhựa là các hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm, phát sinh từ quá trình phân mảnh của rác nhựa. Các hạt này được phân chia thành 2 nhóm chính là hạt vi nhựa sơ cấp và hạt vi nhựa thứ cấp. Các hạt vi nhựa sơ cấp được thải trực tiếp vào môi trường từ các hoạt động như giặt quần áo làm từ sợi tổng hợp, sự cọ xát của lốp xe khi chuyển động, từ các sản phẩm như bột giặt, mỹ phẩm... Các hạt vi nhựa thứ cấp phát sinh từ việc phá hủy các đồ vật bằng nhựa, như túi nhựa, túi nylon, chai nhựa, lưới đánh cá. |