Thiệt hại nghiêm trọng tới quá trình phát triển bền vững
Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270 ha/năm, nhưng thống kê trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430 ha rừng.
Viện Điều tra và quy hoạch rừng nhận định, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ ngày càng suy giảm, thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất.
Chuyên gia lâm nghiệp GS Nguyễn Ngọc Lung cho biết, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…
Nghiên cứu của Quỹ châu Á trong 20 năm qua cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu với mức thiệt hại ước tính chiếm đến 1,5% GDP hằng năm.
Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10 - 15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng, trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.
Ngoài do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực, khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Bên cạnh đó, còn vấn nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện…
Chỉ riêng thủy điện đã làm mất hàng nghìn ha rừng. Năm 2020, dư luận dậy sóng chỉ trích thủy điện trước những thiệt hại khổng lồ gây ra cho các tỉnh khu vực miền Trung. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phá rừng xây dựng cùng công tác vận hành, xả nước của thủy điện đã khiến lũ chồng lũ, gia tăng sức phá hủy của bão lũ. Trong đó, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin rằng, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 1 MW từ thủy điện có thể xóa sổ tối đa 30 ha rừng.
Tăng cường gìn giữ, bảo vệ rừng
Từ nhiều năm trước, Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc làm mất rừng cũng như đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng. Quyết tâm đình chỉ, thu hồi những dự án gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên; Kiểm tra, truy quét đầu nậu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng. Đặc biệt những người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Đồng thời, siết chặt việc cấp phép các dự án có thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Kiên quyết không đánh đổi rừng lấy sự phát triển kinh tế cục bộ. Tuy nhiên, hàng năm rừng vẫn bị mất đi, thiên tai ngày càng hung dữ, gây những thiệt hại lớn về mọi mặt. Vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng.
Nhiều đại biểu quốc hội phát biểu trên nghị trường, đã đến lúc cần biện pháp mạnh hơn, cứng rắn hơn đối với các đối tượng lâm tặc, đặc biệt xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng.
Các cấp ủy chính quyền cơ sở phải tăng cường hơn các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp, như tuyên truyền giáo dục, thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội trên địa bàn gắn với chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Đồng thời, tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, nhất là các khu vực thường gây ra lũ quét nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Nỗi lo bão lũ, thiên tai vẫn chưa dừng lại. Bởi vậy, giữ và phát triển rừng hôm nay chính là ngăn ngừa những hậu họa thiên tai, lũ lụt về sau.