Rất nhiều người nghĩ vậy, tôi cũng thế cho đến khi tôi đã đi qua không biết bao nhiêu bãi rác, theo chân những con người "bới rác tìm cơm", tôi mới hiểu khi bạn phân loại rác, bạn đã giúp cho bao người đỡ cơ cực hơn, đỡ đau hơn và đỡ thức đêm muộn hơn.
Không ít phụ nữ, thậm chí cả trẻ em phải hành nghề mót phế liệu để kiếm tiền nuôi sống bản thân, có đứa trẻ tôi hỏi còn không biết tên mình là gì vì từ nhỏ đến giờ sống ở bãi rác, có ai gọi tên đâu mà nhớ.
Phân loại rác tại nhà: Để cho những mảnh đời cơ cực đỡ đau hơn - Ảnh: Lekima Hùng. |
Có bao nhiêu công nhân đã ngất vì những chai hóa chất vỡ ra trong rác?
Có bao nhiêu người phụ nữ gầy gò, nhỏ nhắn và khắc khổ đã chịu những cơn đau đớn khi dính mảnh thủy tinh hay kim tiêm khi đi nhặt phế liệu?
Tôi đã được nghe những người gom rác lương 2 triệu mỗi tháng đã bao gồm cả xăng xe, cho biết họ có mong ước lớn lao là có bảo hiểm.
Tôi đã được chứng kiến mỗi giây phút họ kiếm sống là ở quanh môi trường độc hại và bẩn thỉu này, càng bới rác được nhanh thì càng tốt.
"Em có biết không? Tất cả mọi thứ người ta đều vứt vào rác, thậm chí cả con lợn, con chó, con gà, con vịt vẫn còn sống nhưng bị dịch bệnh đang chờ chết" - Ảnh: Lekima Hùng. |
Tôi cũng được nghe họ bảo, tất cả mọi thứ người ta đều vứt vào rác, thậm chí cả con lợn, con chó, con gà, con vịt vẫn còn sống nhưng bị dịch bệnh đang chờ chết.
Tôi được nghe nhiều khi họ không dám đi khám bệnh vì sợ nhỡ ra bệnh gì thì tiền đâu mà chữa chạy.
Tôi được nghe nhiều lắm... trong chuyến xuyên Việt chụp rác.
Họ thậm chí còn tranh nhau cày xới trên những bãi rác, để lượm lặt những loại phế liệu có thể tái chế hay bán được với mục đích kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Một người công nhân thu gom rác với túi đựng đồ là các phế liệu có thể bán được - Ảnh: Lekima Hùng. |
Ở mỗi thùng rác lại có những người ngày đêm ra mót rác, rồi cuối cùng mới là về bãi rác.
Tôi cũng đã đến viếng mộ một sinh linh bé nhỏ mới chào đời, tôi lặng đi khi nghe người ta kể lại rằng không ai biết em đã chết lúc nào, đã từ thùng rác nào cho đến khi về tới đích cuối cùng. "Có lẽ con đã là một người tốt, con đã đến bên đời và con đã rất ngoan. Thế giới không khổ đau và ngập tràn hạnh phúc đã đón con về trước chúng ta...".
Nên bạn ạ, hãy phân loại rác ở nhà mình, rác hữu cơ riêng, đồ có thể tái chế như đồ nhựa, vỏ lon, các loại giấy riêng... và thủy tinh hãy để riêng, pin độc hại nên cất ở nhà để mang đến nơi thu gom và xử lý.
Như thế bạn đã làm người khác đỡ đau, làm những đứa trẻ có thể mua được cặp sách hay áo mới đến trường và làm cho những người đã cơ cực có thêm bao phút được chợp mắt sớm hơn rồi đó... Không chỉ là để cho rác nói chung hay rác thải nhựa nói riêng được thu gom và tái chế nhiều hơn đâu.