Có lẽ không ai biết rõ về sự hôi hám bẩn thỉu của những đống rác bằng những chị lao công ngoài phố. Cái công việc lương thiện, nắng mưa, nặng nhọc này đôi khi bị coi là tận cùng của xã hội lại cần cho tất cả.
Và không biết vì lý do gì chúng ta lại thiếu đi một tấm lòng cần thiết đối với họ.
Trên phố cổ người ta buôn bán ngoài vỉa hè, hàng ăn, trà đá… bên những đống rác. Thế là những nhát chổi dọn rác giờ bán hàng, không ít chị lao công thành cái gai trong mắt để dân phố mắng chửi xa xả nếu lỡ tay khua chổi có hạt bụi bay cao.
Xe rác trong khu tôi ở mỗi chiều tối phải dựng thêm ván cao 4 cạnh để chứa thêm được rác mỗi chuyến thu gom. Họ thu gom mỗi ngày hơn 6.000 tấn rác cho Hà Nội.
Ngọn rác cao tới 3 mét, chị lao công gò lưng đẩy bên dưới thật vất vả. Ít người để ý họ là ai, gương mặt như thế nào bởi chỉ lộ mỗi hai con mắt sau tấm vải dày bịt mặt, đôi găng tay thô kệch bẩn thỉu.
Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, mấy anh em đồng nghiệp chúng tôi hay đi lang thang ghi chép công việc nặng nhọc này, chúc Tết, lì xì các chị còn làm việc ngoài đường trong cái thời khắc chuyển giao thời gian đáng lẽ không thể ngồi bệt bên những thùng rác.
Có năm trời lạnh cả nhóm các chị đốt đống lửa to ngồi túm tụm với nhau, những gương mặt được lộ rõ bên ánh lửa hồng, toát ánh nhìn hạnh phúc năm mới.
Hôm qua, trên mạng có bức ảnh nhóm chị em lao công ngồi khóc bên thi thể không nguyên vẹn của đồng nghiệp bị gã say lái xe đâm nát khi đang đẩy xe rác về chỗ tập kết.
Một nỗi buồn lẫn thương cảm không nên lời. Để không ít người bỏ lại thờ ơ vô cảm kịp nhận ra, à hóa ra họ cũng giống chúng ta, có gia đình và cả những đứa trẻ…
Chị để lại hai đứa con mồ côi mẹ, oan ức quá.
Kẻ gây ra thảm cảnh này sẽ phải trả giá, nhưng cái giá nào cho đủ? Nếu đã uống bia rượu, cầu xin các anh hãy đừng lái xe. Ai cũng có một gia đình và cả sự mong chờ họ trở về nhà an lành.
Hoàng Minh Trí