Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở

Những địa phương thường xuyên chịu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gồm Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa...
Phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậuCảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc BộMô hình kè sinh thái: Giải pháp xanh chống sạt lở hiệu quả

Chiều 15/1, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Vũ Đức Long cho biết, có khoảng từ 10-15 trận lũ quét/năm, các khu vực thường xảy ra lũ quét là ở vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.

Những địa phương thường xuyên chịu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gồm Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa...

tm-img-alt
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có những đánh giá về mức độ rủi ro thiên tai nhưng vẫn còn một số tồn tại về bản đồ phân vùng như: Tỉ lệ bản đồ chưa đồng nhất, chưa chi tiết; chưa xem xét một cách đầy đủ ngưỡng mưa trong phân vùng nguy cơ.

Ngoài ra, hiện chưa có bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do lũ quét và sạt lở đất, cụ thể với phần mềm cảnh báo lũ quét cho Việt Nam (VNOFFG) chưa tích hợp được số liệu mưa tự động, mưa từ rađa, vệ tinh... địa hình. Ngưỡng mưa và ngưỡng tràn chưa tính chi tiết cho vùng Bắc Bộ. Giá trị ngưỡng tính cho khu Trung Bộ cần kiểm nghiệm trong thực tế và điều chỉnh.

Phạm vi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia còn rộng, chưa tích hợp được các yếu tố về dân cư, hoạt động về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng. Dự báo mưa định lượng chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; chưa có hệ thống trao đổi và chia sẻ thông tin trực tuyến.

Do vậy, việc xây dựng dự án phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi là hết sức cần thiết nhằm mục tiêu đánh giá được mức độ rủi ro đối với lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi; xây dựng được các bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa thời gian thực.

Theo đó, phạm vi thực hiện của dự án là 37 tỉnh vùng núi và 34 lưu vực sông chính, 95 tiểu lưu vực. Về phân vùng lũ quét, dự án sẽ đưa ra bản đồ nguy cơ lũ quét cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc với tỉ lệ 1:100.000 và cho 19 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với tỉ lệ 1:50.000; dữ liệu điều tra khảo sát, đo đạc mặt cắt tại 36 lưu vực sông nhỏ khu vực vùng núi phía Bắc; bản đồ địa hình tỉ lệ 1:5.000 cho 58 khu vực dân cư có nguy cơ ngập do lũ quét nghẽn dòng trong 23 lưu vực sông thuộc 19 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Đánh giá các nội dung của dự án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lê Quốc Hùng cho rằng, theo Quyết định 705/QĐ-TTg và Quyết định 1258/QĐ-BTNMT về việc điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai... của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nội dung dự án do Tổng cục Khí tượng Thủy văn xây dựng cơ bản đều phù hợp.

Dự án có thu thập xử lý, số liệu, tài liệu về điều kiện tự nhiên, địa hình, trầm tích, lớp phủ, hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dân cư, cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất do mưa; điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ hiện trạng lũ quét, sạt lở đất đá do mưa; phân tích đánh giá khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá do mưa...

Đáng chú ý, dự án sẽ đưa ra sản phẩm chính đó là bản đồ cảnh báo thiên tai do lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa cho khu vực trung du và miền núi. Theo đó, hệ thống thu thập, xử lý các số liệu quan trắc truyền thống và phi truyền thống trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ bài toán đồng hóa số liệu, kiểm nghiệm và hiệu chỉnh dự báo mô hình số trị quy mô khu vực phân giải cao trên hệ thống siêu máy tính tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn...

Diệu Thúy
Theo (TTXVN/Vietnam+)

Xem thêm

Liên kết