Phao quây dầu phát huy tác dụng
Ngày 01/3/2022, công trình lắp đặt "Hệ thống phao quây dầu thường trực tại cầu 5.000 DWT" đã hoàn thành, đảm bảo mọi điều kiện an toàn về yếu tố kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chính thức bàn giao cho Cảng dầu B12 (thuộc Công ty Xăng dầu B12, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex) quản lý, khai thác sử dụng.
Theo Công ty Xăng dầu B12, tháng 9/2019, Công ty đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống phao quây dầu thường trực dài 560 m tại cầu 40.000 DWT - là cầu tàu lớn nhất của Cảng dầu B12. Hệ thống phao quây thường trực sẽ ứng phó sự cố tràn dầu ban đầu trước khi triển khai được hệ thống phao quây dầu trên bờ và các phương tiện ứng cứu khác, giảm thiểu tối đa tác hại của sự cố tới môi trường xung quanh.
Việc đầu tư hệ thống phao quây dầu thường trực tại hai cầu tàu 40.000 DWT và 5.000 DWT là chủ trương và giải pháp đúng đắn để tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCN và bảo vệ môi trường tại Cảng dầu B12.
Công trình đầu tư Hệ thống phao quây dầu thường trực tại cầu 5.000DWT gồm: 105 m dài phao quây dầu thường trực cố định và 195 m dài phao quây dầu thường trực di động, là loại phao Permafence 24 inch của hãng Elastec (Mỹ); 06 bộ thanh trượt thủy triều; 02 bộ thanh chắn phao.
Hệ thống phao quây dầu thường trực được triển khai thi công lắp đặt tại cầu 5.000 DWT nhằm ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, đảm bảo nếu trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu sẽ được phao quây dầu quây kín, chặn lại trong mọi điều kiện thủy triều (lên, xuống), giảm thiểu tối đa tác hại tới môi trường biển.
Sau thời gian 06 tháng kể từ ngày triển khai dự án mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng như điều kiện thời tiết mưa rét và thủy triều, công trình lắp đặt hệ thống phao quây dầu thường trực tại cầu 5.000 DWT đã hoàn thành đảm bảo mọi điều kiện an toàn về yếu tố kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chính thức bàn giao cho Cảng dầu B12 quản lý, khai thác sử dụng.
Với vai trò là Cảng đầu mối tiếp nhận xăng dầu lớn nhất tại miền Bắc của Petrolimex, năm 2021 cùng với các đơn vị thành viên của Công ty, Cảng dầu B12 đã tổ chức tiếp nhận an toàn 279 chuyến tàu với tổng lượng hàng nhập gần 4 triệu m3,tấn xăng dầu các loại, bơm chuyển cho các đơn vị tuyến sau qua hệ thống tuyến ống và cung ứng ra thị trường.
Nhà nước với nhiều chính sách 'cởi trói' cho ngành xăng dầu
Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập khẳng định, do luật quy định chồng chéo khiến thủ tục đầu tư gặp khó khăn. Theo quy định tại Luật 69/2014/QH13, các dự án hơn 2.300 tỷ đồng thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, Điều lệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các quy định khung mẫu tại các nghị định của Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được quyết các dự án đầu tư tới 50% vốn điều lệ. Ngoài ra, Luật Đầu tư cho rằng hoạt động đầu tư phải tuân theo luật chuyên ngành, trong khi Luật Dầu khí hiện hành chưa có điểm nào quy định về mức đầu tư.
Khi PVN đầu tư các dự án sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi phần lớn đều là dự án có quy mô hơn 2.300 tỷ đồng. Trong quá trình xem xét, đánh giá, thẩm định các dự án dầu khí xuất hiện tình trạng đưa lên, đặt xuống và cuối cùng không quyết được. Chính vì vậy, PVN phải được quyền quyết định các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí có tổng mức đầu tư tới 50% vốn điều lệ.
Khi đó PVN sẽ sử dụng luật chuyên ngành đúng tinh thần của Luật Đầu tư quy định và sẽ giải quyết được các vướng mắc còn lại. Nếu dự án vượt mức 50% vốn điều lệ, PVN có trách nhiệm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đồng thời đề xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt những dự án phát triển mỏ có quy mô từ 3 tỷ USD, Bộ trưởng Công thương phê duyệt dự án từ 1-3 tỷ USD, còn dưới 1 tỷ USD giao cho PVN quyết định.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam, không chỉ các dự án thượng nguồn gặp khó khăn mà việc triển khai dự án dầu khí ở lĩnh vực trung và hạ nguồn như chế biến khí, điện khí cũng gặp “trắc trở” bởi sự chồng chéo về văn bản quy phạm pháp luật và một loạt thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2022 và cơ bản thống nhất quan điểm về các vấn đề lớn của dự án Luật Dầu khí.Hoàn thiện quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên PVN quyết định, chịu trách nhiệm việc góp vốn tham gia các hợp đồng dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo thẩm quyền của Bộ Công thương, các bộ liên quan và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,...
Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thập cho rằng, Luật Dầu khí mới cần tập trung vào những nội dung then chốt như sửa đổi luật theo hướng thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều hơn.
Trong đó, cần quy định thêm cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Đồng thời, có các điều khoản linh hoạt, nhất là về cách tính thuế, tỷ lệ ăn chia phần trăm. Tiếp đến, nhanh chóng xóa bỏ những vướng mắc để đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác dầu khí.
Hiện nay, số lượng dầu khí đã phát hiện còn khoảng 200 triệu tấn dầu nhưng chủ yếu nằm ở các mỏ nhỏ, mỏ cận biên và ở những mỏ đang khai thác. Muốn khai thác được trữ lượng này, cần phải đầu tư công nghệ, gia tăng hệ số thu hồi, cần phải đầu tư thông minh.
Ngoài ra, luật cũng cần quy định rõ vai trò, vị trí pháp lý của PVN là đại diện nước chủ nhà như nhiều quốc gia khác đang làm. Điều này giúp đối tác yên tâm hơn, đồng thời tạo điều kiện để các bên dễ dàng thực hiện dự án, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh,...
“Tiềm năng dầu khí nước ta còn rất lớn. Riêng năm 2021, ngành dầu khí đóng góp cho ngân sách hơn 112 nghìn tỷ đồng (gần 5 tỷ USD), ngoài ra, lãi trước thuế của PVN khoảng 45 nghìn tỷ đồng (gần 2 tỷ USD). Nếu luật mới ra đời với các cơ chế thông thoáng không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà ngành dầu khí còn tiếp tục đóng góp lớn hơn cho ngân sách nhà nước” - ông Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Nguyễn Linh (T/h)