Phát triển kinh tế không thể tách rời bảo vệ môi trường

Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn[eMagazine] Kinh tế tuần hoàn: Hiện tượng Nam Cầu Kiền – Sinh thái và chưa sinh thái (Kỳ 4)[eMagazine] Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng phát triển các khu công nghiệp (Kỳ 3)

Nguyên Phó Chủ tịch nước khẳng định, bảo vệ tài nguyên, môi trường chính là vấn đề sống còn đối với quốc gia, dân tộc.

Phát triển kinh tế không thể tách rời bảo vệ môi trường - Ảnh 1

Thưa bà, bà có suy nghĩ như thế nào về vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường?

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường không phải là vấn đề mới, thế giới đã đề ra từ lâu. Ở Việt Nam, việc phát triển kinh tế xanh và kinh tế bền vững đề ra từ Đại hội IX, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Phát triển kinh tế không thể tách rời với bảo vệ môi trường, xã hội. Phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Đối với kinh tế xanh, quá trình phát triển cũng có nội dung trụ cột tương tự. Để phát triển bền vững là phải phát triển kinh tế xanh. Chúng ta sẽ làm gì để phát triển xanh? Vấn đề đầu tiên là Việt Nam phải học tập, nêu gương theo các nước trên thế giới, giảm phát thải khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường. Làm thế nào để có công nghệ xử lý chất thải thật tiên tiến. Cấp nước sạch, xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại, thông minh. Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi phải được thực hiện cấp bách, đồng bộ.

Hiện nay đang có khái niệm phát triển kinh tế thông minh, trong đó bao gồm phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh dựa trên nền tảng là kinh tế tăng trưởng. 

Bà có thể nói rõ hơn về khái niệm nền kinh tế xanh?

Kinh tế xanh (tiếng Anh: Green Economy) là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc – 2010. Kinh tế xanh, không nên được hiểu nhầm theo nghĩa là kinh doanh bởi kinh tế xanh được thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế như: Nông-lâm-ngư nghiệp, sản xuất, giao thông vận tải, kiến trúc xây dựng, tài nguyên môi trường, du lịch sinh thái và các lĩnh vực khác của đời sống. Chúng ta có thể hình dung đơn giản kinh tế xanh là sự kết hợp giữa 3 thành tố: Kinh tế + Xã hội + Môi trường.

Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa đó là những hoạt động tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người, đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường, ba yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Một nền kinh tế xanh là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển bền vững và kiến thức về kinh tế học sinh thái. 

Kinh tế xanh là mô hình đánh giá trực tiếp vốn tự nhiên và việc sử dụng tự nhiên như một giá trị của kinh tế học, điều này không giống và đáng quý hơn so với những mô hình kinh tế trước đó. Trong một nền kinh tế xanh, các chi phí xã hội phải gánh chịu thông qua hệ sinh thái đều có nguồn gốc và phải được hoàn trả bởi các thực thể có khả năng gây hại hoặc thờ ơ với một giá trị tự nhiên.

Phát triển kinh tế không thể tách rời bảo vệ môi trường - Ảnh 2
GS.TS Nguyễn Thị Doan và PGS.TS Trương Mạnh Tiến trong Hội thảo “Kinh tế môi trường trong tầm nhìn thời đại hướng đến nền kinh tế xanh” vào năm 2015.

Một nền kinh tế xanh có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Kinh tế xanh tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường. Kinh tế xanh có thể là một nền kinh tế cần thiết trong thời gian khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng sinh thái của chúng ta.

Đứng trước các yêu cầu về phát triển nền kinh tế xanh, theo bà chúng ta đã làm được đến đâu?

Hiện nay Chính phủ, các cơ quan đơn vị liên quan đang có sự chung tay vào cuộc và thực hiện mạnh mẽ chương trình này. Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là người thực hiện quyết liệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với những chủ trương để xây dựng chính sách mới theo hướng “phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường,” phát triển kinh tế dựa trên phát triển chặt chẽ tài nguyên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đất nước và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Phát triển kinh tế không thể tách rời bảo vệ môi trường - Ảnh 3

Bộ Tài Nguyên và Môi trường hiện cũng triển khai nhiều chương trình hành động với nhiều giải pháp về chống phá rừng, chống lụt lội, giáo dục ý thức cho người dân. Mới đây nhất là việc trồng 1 tỉ cây xanh do Chính phủ phát động với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.

Đề án trồng 1 tỉ cây xanh là cách thức vô cùng thiết thực để tưởng nhớ, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và tinh thần hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần hiện thực hóa tâm nguyện “Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu”. Sánh vai với các cường quốc năm châu không chỉ sánh vai về kinh tế, về khoa học công nghệ mà còn về môi trường xanh, sạch, đẹp - yếu tố quan trọng góp phần làm nên chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng như mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Phát triển kinh tế không thể tách rời bảo vệ môi trường - Ảnh 4

Là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, xin bà cho biết tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, môi trường mà TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cùng các cơ quan, đoàn thể khác đang ưu tiên thực hiện? 

Tôi vẫn luôn đặt câu hỏi, rằng tại sao truyền thông của chúng ta mạnh như thế, khắp nơi trên đường phố đều có khẩu hiệu bảo vệ môi trường. Các cơ quan hội như TW Hội Kinh tế Môi trường cũng đã có các chương trình truyền thông đặc sắc. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ trông trung học, từ giáo viên đến học sinh đều được tuyên truyền, vận động, hưởng ứng và thực hiện các chương trình hành động vì môi trường. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng phải nói là mạnh mẽ, quyết liệt. 

Tuy nhiên, hiện nay ý thức bảo vệ môi trường của người dân vẫn chưa được như mong muốn. Rác thải vẫn quá nhiều, tài nguyên môi trường vẫn bị xâm phạm, hủy hoại. Khai thác cát sỏi vẫn diễn ra tràn lan. Vì sao chúng ta đã vào cuộc quyết liệt mà ý thức của người dân vẫn kém? Có lẽ do nhiều nguyên nhân, về cơ chế, về đời sống, nhất là vấn đề tuyên truyền đến nơi đến chốn cho nhân dân hiểu thế nào là phát triển bền vững, kinh tế xanh. Đây là những khái niệm mới, có thể mới dừng lại ở các nhà khoa học, ở tầm vĩ mô. Chúng ta cần thực hiện ở tầm vi mô, đến tận các làng xã, từng người dân. 

Phát triển kinh tế không thể tách rời bảo vệ môi trường - Ảnh 5

Trong thời gian tới, chúng ta cần đi sâu vào vấn đề tuyên truyền rộng rãi hơn trong các tầng lớp nhân dân, với các nội dung cụ thể về môi trường, kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Công tác tuyên truyền sẽ phải đi từ những việc đơn giản nhất như việc hạn chế sử dụng vàng hương, vòng hoa phúng viếng, … Những công việc tưởng như rất đơn giản nhưng thực chất rất quan trọng, và là những hành động đầu tiên trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đối với thế hệ trẻ, cần có thông điệp để họ hiểu rằng, bảo vệ tài nguyên môi trường, chính là sự gìn giữ và đảm bảo cho tương lai của đất nước và chính mỗi người dân đất Việt.

Trân trọng cám ơn bà!

Bích Đào

Xem thêm

Liên kết