Phát huy nguồn lực văn hóa để phát triển Thủ đô

Tháng 10 năm nay, Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm 1.010 tuổi. Suốt chiều dài lịch sử, giá trị lớn nhất mà cha ông để lại cho Thủ đô hôm nay chính là những giá trị văn hóa.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội dâng hương, trồng cây tại Hoàng thành Thăng LongThủ đô Hà Nội dịu dàng trong nắng vàng đầu ThuQuy hoạch hai bên bờ sông Hồng - Cơ hội cho Thủ đô vươn mình

Ở giai đoạn này, khi Hà Nội đã có những bước phát triển mới, hội nhập sâu hơn cùng thế giới, nhận thức về văn hóa cũng được nâng lên một tầm cao mới. Văn hóa là nguồn lực nội sinh, là sức mạnh tinh thần to lớn, động lực quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô. TP Hà Nội đang nỗ lực phát huy nguồn lực này, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

tm-img-alt
Tiết mục trình diễn tại Liên hoan Nghệ thuật Múa Rồng - Hà Nội năm 2020. (Ảnh: Mỹ Hà)

Tối ưu hóa những nguồn lực truyền thống

Ðền Phù Ðổng là Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội). Lễ hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội tụ nhiều giá trị độc đáo, song những năm qua, khách đến với đền Phù Ðổng chủ yếu tập trung vào mấy ngày hội đầu tháng 4 âm lịch.

Gần đây, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm phối hợp chính quyền, nhân dân địa phương đã triển khai Ðề án Phát triển du lịch xã Phù Ðổng gắn với Lễ hội Gióng và Khu di tích đền Phù Ðổng. Bao năm qua, ở Phù Ðổng, từ trẻ nhỏ đến người già đều làu làu truyền thuyết về Thánh Gióng, chuyện về những động tác dũng mãnh khi ông Hiệu múa cờ (tượng trưng cho sức mạnh Thánh Gióng) hay chuyện ông Hiệu trống, Hiệu chiêng, chuyện cô tướng (đại diện cho tướng giặc) hay những câu hát trong điệu múa Ải Lao...

Nhưng giờ, người dân được tập huấn để có thể "kể" những câu chuyện đó với khách du lịch sao cho hấp dẫn. Những dữ liệu về ngôi đền cổ kính, nhiều màn diễn xướng trong lễ hội từng bước được số hóa, đưa vào ứng dụng để khách có thể tìm hiểu, truy cập từ bất cứ nơi đâu.

Ðặc biệt, khách du lịch có thể xem những trích đoạn của lễ hội do người dân tái hiện. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm, Phùng Thị Hoài Hương cho biết: "Chúng tôi muốn đem đến cho các vị khách những trải nghiệm sinh động nhất. Ngoài việc có thể sống trong không khí lễ hội, khách còn có thể thưởng thức bữa cơm cà của mẹ Thánh Gióng như trong truyền thuyết, nghe những câu chuyện cổ ở địa phương mà chưa nhiều người biết".

Với bề dày nghìn năm văn hiến, Hà Nội có một kho tàng di sản đồ sộ với gần 6.000 di tích và 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề. Bảo tồn song song với phát huy giá trị di sản là điều thành phố đã triển khai trong suốt những năm qua. Mỗi năm, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng hai triệu lượt khách tham quan, chùa Hương cũng cán mốc tương tự. Con số này ở phố cổ Hà Nội còn lớn hơn. Hàng loạt di tích, di sản khác như: Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, chùa Trấn Quốc…, mỗi nơi đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.

Các làng nghề truyền thống vừa trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, vừa trở thành điểm du lịch. Ở những đô thị lớn trên thế giới, sự chuyển dịch từ những ngành sản xuất công nghiệp truyền thống sang các lĩnh vực sáng tạo đang là xu thế. Theo Báo cáo Toàn cầu của UNESCO năm 2018 về Tái định hình các chính sách văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ, giúp tạo nên thu nhập và khối lượng việc làm đáng kể. UNESCO xây dựng Mạng lưới các Thành phố sáng tạo từ năm 2004, nhằm hỗ trợ các thành phố trên thế giới phát huy nguồn lực văn hóa, nguồn lực sáng tạo để phát triển bền vững.

Hà Nội đã ứng cử và được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế năm 2019. Tham gia mạng lưới này, từ chỗ là một lĩnh vực được quan tâm, văn hóa trở thành trung tâm của sự phát triển, trở thành nguồn lực cho phát triển. Nhận định về tiềm năng của Hà Nội, ngài Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: "Khi quan sát Hà Nội, chúng ta thấy rõ tính hợp lý khi đầu tư vào phương thức phát triển theo định hướng văn hóa. Bởi Hà Nội vốn có những di sản để tạo điều kiện cho sự phát triển theo phương thức này, bề dày truyền thống các di sản văn hóa của Hà Nội là kết quả của một quá trình sáng tạo và đổi mới".

Trở thành thành phố sáng tạo về thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo mới là bước đi đầu tiên. Ðể hiện thực hóa, cần có những bước đi cụ thể. Trong đó, việc kết nối các nguồn lực di sản với thiết kế sáng tạo là một tất yếu. Nhìn từ khía cạnh này, Ðề án phát triển du lịch xã Phù Ðổng là một trong nhiều thí dụ về "thiết kế, sáng tạo di sản" để tạo nên sức hấp dẫn. Hàng loạt di tích, di sản của Thủ đô đang trong quá trình đổi mới, tối ưu hóa nguồn lực.

Hai di tích quan trọng bậc nhất của Thủ đô là Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám liên tục xây dựng những tua mới, tăng cường tính tương tác, trải nghiệm cho khách. Hiện tại, cả hai di tích đều xây dựng tua du lịch về đêm. Ở khu vực trung tâm thành phố, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tiếp tục được mở rộng; không gian đi bộ tại khu bảo tồn cấp 1 - phố cổ Hà Nội được điều chỉnh, nâng cấp.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa như: Lễ hội dân gian đường phố, Liên hoan ẩm thực… của Hà Nội đang được các chuyên gia khuyến nghị tổ chức hằng năm và xây dựng thành những thương hiệu văn hóa mạnh. Ðối với các làng nghề, cùng lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ: sản xuất và đón khách du lịch. Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề về thiết kế và các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng. Nổi bật trong đó là đang xây dựng Quy hoạch làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và Quy hoạch làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông), tạo hình mẫu cho du lịch làng nghề trong tương lai gần.

Nhận diện, khơi dòng những nguồn lực mới

Có một di sản văn hóa phi vật thể tồn tại xuyên suốt dòng chảy của lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đó là văn hóa ứng xử. Từ xa xưa, ca dao đã truyền tụng: "Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất sắc kinh kỳ Tràng An". Người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, đồng thời rất đoàn kết, trọng nghĩa, trọng tình. Nhưng đã có những lúc nét đẹp này ít nhiều bị phôi pha.

Từ năm 2017, thành phố đã triển khai Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của thành phố và QTƯX nơi công cộng. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Nguyễn Ðình Hoa, văn hóa công sở phản chiếu chiều sâu văn hóa tinh thần của con người. Tại Hà Nội, nó thể hiện chất Hà Nội, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Việc ban hành những quy định, quy chế để điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn, để văn hóa công sở trở thành một nét đẹp của người Hà Nội. Những đổi thay đã diễn ra nhanh chóng khi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sau một thời gian bị than phiền về các thủ tục "hành là chính", bây giờ, một nền hành chính phục vụ, hành chính "nụ cười" dần trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội khi thành phố triển khai QTƯX của cán bộ công chức song song với nhiệm vụ cải cách hành chính. Một nếp "văn hóa công sở mới" hình thành, mang sắc thái "mới mà cũ" của văn hóa Hà Nội.

Ðối với việc triển khai QTƯX nơi công cộng, nơi diễn ra các hoạt động sinh động nhất là ở khu dân cư. Người dân có ý thức hơn trong việc làm đẹp các không gian sống của mình và cộng đồng; nhiều "tuyến đường nở hoa", vườn hoa, tiểu cảnh được cải tạo từ những điểm đổ rác sai quy định hình thành ở cả khu vực nội thành và ngoại thành. Những nét đẹp trong ứng xử tại công viên, vườn hoa, rạp chiếu phim, thư viện, nhà hát, cơ sở tôn giáo… xuất hiện ngày một nhiều hơn. Hành động xả rác, nói tục, hút thuốc… ở nơi công cộng giảm dần. Môi trường xã hội ngày một nhân văn hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn với bạn bè trong nước, quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: "Xã hội luôn vận động và phát triển trong những điều kiện khác nhau và văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử luôn cần được coi là một nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển xã hội". Quan điểm này đã được chứng minh bằng thực tiễn ở Thủ đô.

Cùng với thực hiện QTƯX cho cán bộ, công chức, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội liên tục được cải thiện, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Hà Nội thân thiện, an toàn, môi trường nhân văn tăng sức hút của Thủ đô đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Văn hóa ứng xử đã và đang trở thành một nguồn lực quan trọng, góp phần tạo nên sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của Hà Nội.

Năm 2020, Thủ đô bước sang tuổi 1.010 trong nhiều thách thức, nhất là những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Song, như lời của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, dịch Covid-19 là một "phép thử", là một lần "kiểm chứng" với văn hóa ứng xử Hà Nội. Có những thời điểm, Hà Nội là địa bàn có nhiều ổ dịch, nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất cả nước, nhưng Hà Nội đã vững vàng vượt qua đại dịch, không chỉ một lần, mà hai lần.

Ngoài những chương trình hỗ trợ của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, có rất nhiều hoạt động giúp đỡ, sẻ chia tự phát của người dân. Ðó là cây "ATM gạo" miễn phí, là chương trình "Chia sẻ thực phẩm hằng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19". Ðó là những chủ nhà trọ tự nguyện miễn, giảm tiền thuê phòng cho những công nhân, sinh viên, người lao động nghèo. Dịch Covid-19 đã tạm thời bị đẩy lùi. Ai cũng xúc động khi chứng kiến chị Hà Thị Bảo Khuyên (sinh năm 1979, ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn) đi xe lăn đến trụ sở MTTQ xã để ủng hộ hơn một triệu đồng. Chị Khuyên là người khuyết tật, hằng tháng chị phải nhận tiền trợ cấp, nhưng trước khó khăn chung, chị tự nguyện bớt một phần tiền trợ cấp của mình để giúp đỡ những người khó khăn hơn.

Hay câu chuyện của cậu bé câm điếc Trần Nam Long, thành viên nhóm Ký họa Ðô thị Hà Nội tham gia vẽ tranh, đấu giá ủng hộ chiến dịch chống Covid-19. Một nửa số tiền 25 triệu đồng thu từ bán tranh được cậu bé và mẹ dành tặng Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19... Trong thời khắc khó khăn của công cuộc chống dịch, những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội lại tỏa sáng. Và điều đó góp phần tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa Hà Nội, góp phần tạo nên sức mạnh mềm cho "thương hiệu Hà Nội".

Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm tuổi 1.010 đúng vào dịp diễn ra Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Giá trị lớn nhất mà cha ông để lại cho thế hệ hôm nay chính là những giá trị văn hóa, gồm cả hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa ứng xử. Hà Nội đã phát huy các giá trị văn hóa để phục vụ cho phát triển. Từ thực tiễn sinh động ấy và để thích ứng với điều kiện quốc tế, thành phố đã tổng kết thành lý luận. Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 nhấn mạnh, văn hóa là nguồn lực nội sinh, là sức mạnh tinh thần to lớn, động lực quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô.

Nguồn lực văn hóa có thể được hiểu là tổng thể các yếu tố văn hóa tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới các hoạt động kinh tế - xã hội. Ðó vừa là các hoạt động văn hóa cụ thể như: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản, làng nghề; các hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, phim ảnh, mỹ thuật…; những mô hình không gian sáng tạo. Song, nó cũng bao gồm văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh…

Hà Nội cũng như Việt Nam đã có nhận thức mới về nguồn lực văn hóa. Và việc cần thiết, phải được bắt đầu bằng nhận diện, từ đó bồi dưỡng, phát huy những nguồn lực mới, để phục vụ sự phát triển của Thủ đô trong một giai đoạn mới, đưa Hà Nội vừa xứng tầm bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, vừa trở thành một đô thị năng động, sáng tạo mang tầm quốc tế.

Giang Nam
Theo Báo Nhân Dân

Xem thêm

Liên kết