Thưa bà, trong năm 2020, Việt Nam chịu nhiều thiệt hại về kinh tế do diễn biến thất thường của thiên tai, đáng chú ý là trận lũ lụt lịch sử xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Theo bà, giữa kinh tế và môi trường có mối liên hệ với nhau như thế nào trong sự phát triển bền vững của Việt Nam?
- Phát triển bền vững là mục tiêu tối cao trong phát triển đất nước nói chung và là mục tiêu phát triển của từng ngành kinh tế nói riêng. Chính phủ Việt Nam luôn kiên định mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong đó chú trọng 3 trụ cột chính là xã hội, môi trường và kinh tế. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, bằng nhiều phương án thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo vấn đề môi trường, để người dân có quyền được sống trong môi trường trong lành như Điều 43 Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
Hiện nay, môi trường đang là vấn đề nóng của cả thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của từng đất nước trong đó có Việt Nam. Khi môi trường bị ô nhiễm sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng, nghèo đói tăng lên và kéo theo nhiều vấn đề khác.
Năm 2020 là một năm khó khăn chồng chất khó khăn đối với Việt Nam, từ đại dịch Covid-19 cho đến hậu quả của biến đổi khí hậu, đặc biệt là trận lũ lụt ở miền Trung đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và của. Chúng ta đang cố gắng khôi phục nhưng vẫn chưa thể quay trở về trạng thái bình thường. Đó là biểu hiện rõ nét về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Nhìn chung, Việt Nam là một trong số các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất. Hiện nay, chúng ta đang phải sống chung, chấp nhận và từng bước hạn chế hậu quả gây ra từ biến đổi khí hậu.
Vậy theo bà, đâu là giải pháp mấu chốt để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, tức là vừa phát triển về kinh tế nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng môi trường?
- Từ trận lũ lụt lịch sử vừa qua, Chính phủ đã rút ra bài học sâu sắc và có những chỉ đạo quyết liệt để không lặp lại sự mất mát về người, về của đau lòng tương tự. Tôi cho rằng, nguyên tắc tiên quyết để đảm bảo môi trường là trước khi triển khai bất cứ việc gì chúng ta đều phải có quy hoạch và đánh giá tác động môi trường của từng dự án.
Trong đó, vấn đề dự báo là vô cùng quan trọng. Khi dự báo về sự phát triển kinh tế, cần có những nghiên cứu về thời tiết, khí hậu, sự ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, con người, xã hội…, để từ đó đưa ra các giải pháp, phương án chủ động đối phó. Theo đó, vấn đề dự báo rất cần đến các đồng chí lãnh đạo, tham mưu trưởng các ngành có tài năng, có tâm, có tầm để có những dự báo chính xác và đưa ra được phương án ứng phó kịp thời.
Theo bà, vấn đề môi trường tại Việt Nam thời gian qua đã được quan tâm đúng mức hay chưa?
- Tôi cho rằng trong giai đoạn vừa rồi, Việt Nam đã chú trọng vấn đề môi trường. Từ những sự cố về môi trường gây ra bao hậu họa như vấn đề ô nhiễm sông Thị Vải ở Đồng Nai, Formosa ở Hà Tĩnh và một loạt vấn đề khác là những bài học thực tiễn đắt giá, do đó Chính phủ luôn chú ý đến vấn đề môi trường. Chính vì vậy mới có lộ trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 rồi sửa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để bổ sung những điều còn chưa thể hiện trong Luật và sửa những bất cập mà Luật trước đó chưa làm được.
Để giải quyết vấn đề môi trường tận gốc thì phải bắt đầu từ cơ chế, chính sách và tuân thủ những điều đã được hiến định (Điều 43 Hiến pháp 2013). Hiện nay, chúng ta đang rất cần hệ thống văn bản dưới luật, các thông tư, nghị định để cụ thể hóa, đưa Luật áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Công tác dự báo cần kèm theo các giải pháp khống chế sự xuất hiện ô nhiễm môi trường từ việc sản xuất, ngay khi hình thành các doanh nghiệp… Trong khi thế giới đã có nhiều kinh nghiệm thì Việt Nam mới đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, nếu như trong quá trình này vấn đề môi trường không được chú trọng thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Bởi lẽ trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp chỉ chú ý đến lợi nhuận mà bỏ ngỏ yếu tố môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của các địa phương, khu vực lân cận, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, chất lượng nguồn lực và lan rộng ra là sự phát triển bền vững của đất nước.
Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, Bộ luật này có còn tồn tại hạn chế hay không thưa bà? Bà kỳ vọng điều gì khi Bộ luật này chính thức có hiệu lực?
- Trong quá trình thảo luận sửa đổi, những kiến nghị đã được tiếp thu và có sửa đổi. Tuy nhiên, tôi cho rằng quyền giám sát của cộng đồng cần phải được làm rõ hơn. Đồng thời, đề nghị có cơ chế để người dân được hưởng thụ môi trường trong lành.
Trong đánh giá tác động môi trường, hoạt động quan trắc môi trường thường xuyên liên tục báo cáo về các sở Tài nguyên và Môi trường từng vùng nhưng vẫn cần quan trắc, đánh giá định kỳ, để số liệu bổ sung cho nhau. Như vậy sẽ chuẩn xác hơn.
Liên quan đến công nghệ, chúng ta cố gắng nhập công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm soát thật chặt trong quá trình nhập khẩu các thiết bị, công nghệ phải đúng các tiêu chí, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc vận hành. Ví dụ các bộ lọc có cho hoạt động suốt 24/24h không hay chỉ hoạt động một thời gian ngắn trong ngày? Bởi lẽ liên quan đến chuyện công nghệ cao còn kéo theo nhiều vấn đề khác. Do đó, cần tăng cường vai trò của Nhà nước, của các cơ quan chức năng; Giám sát thật chặt chẽ và thường xuyên.
Cuối cùng, tôi cho rằng cần phải công khai minh bạch và cung cấp những thông tin liên quan đến ô nhiễm môi trường, về công tác đầu tư, thông tin về dự án, chủ đầu tư…, để nhân dân cùng kiểm tra, giám sát.
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi chính thức có hiệu lực, tôi rất hi vọng sẽ có những văn bản dưới luật cụ thể, chi tiết và phân công trách nhiệm rõ ràng trong lĩnh vực quản lý môi trường. Trong đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý để mọi người dân Việt Nam được hưởng môi trường trong lành, đất nước phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!
“Trước đây, Văn kiện Đại hội Đảng đã có cụm từ “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, hiện Văn kiện Đại hội Đảng thứ XIII đã bổ sung cụm từ “dân giám sát và dân hưởng thụ”. Do vậy, tôi đề nghị phải có văn bản thể hiện cơ chế, quyền giám sát của người dân, để người dân được công bố, tiếp cận thông tin, được hưởng thụ môi trường trong lành như thế nào cũng cần phải làm rõ. Nếu như các văn bản dưới luật không thể hiện được những điều này, tôi cho rằng sẽ rất khó quản lý môi trường, để xảy ra tình trạng ô nhiễm là tình huống không ai mong muốn, Đảng không mong muốn, Chính phủ không mong muốn và người dân càng không mong muốn” - PGS.TS Bùi Thị An.