Phát triển kinh tế biển trong chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú trọng định hướng phát triển khu kinh tế ven biển, coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Hoàn thiện cơ chế phát triển bền vững kinh tế biểnBảo vệ môi trường biển vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biểnKiến tạo chính sách để phát triển kinh tế biển bền vững

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu và chuyên gia cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú trọng định hướng phát triển khu kinh tế ven biển, coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, Chiến lược nêu rõ “khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”.

Phát triển kinh tế biển là nội dung quan trọng trong chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia - Ảnh 1

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia. Mục tiêu chung của nhiệm vụ này là: “Bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”.

Thẩm tra Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Ủy ban Kinh tế cho rằng định hướng phát triển không gian biển của Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, chủ trương lớn, khâu đột phá và các nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để làm căn cứ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Trong đó, cần lưu ý làm rõ phạm vi không gian biển, nhất là vùng đất liền ven biển và vùng ven biển; Định hướng cụ thể hơn việc sử dụng không gian biển cho một số lĩnh vực dựa trên tiềm năng tài nguyên khoáng sản và điều kiện tự nhiên, hải văn, môi trường của từng vùng biển; Việc phát triển các khu đô thị ven biển, đô thị đảo, kinh tế đảo gắn với an ninh, quốc phòng; Làm rõ vai trò của các cảng nước sâu, các khu kinh tế biển và sự liên kết giữa các ngành sử dụng không gian biển; Làm rõ hơn định hướng khu vực cần bảo vệ, đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và định hướng phát triển một số ngành nghề tại các đảo (đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) phù hợp với luật pháp quốc tế.

Góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan cũng như nội dung của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội lần này.

Theo vị đại biểu tỉnh Trà Vinh, đây là nội dung hết sức cần thiết và quan trọng để làm cơ sở triển khai lập nhiều quy hoạch quan trọng khác. Mặc dù nội dung khá hoàn chỉnh nhưng qua nghiên cứu tài liệu cũng như quá trình theo dõi thực tiễn phát sinh, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần quan tâm thêm 4 nội dung. Một trong 4 nội dung đó là vấn đề định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển.

Cụ thể, phát triển các khu kinh tế ven biển là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Do vậy, đại biểu thống nhất với nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là đề nghị làm rõ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2030 đối với 8 khu kinh tế ven biển đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, bao gồm: khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải, thành phố Hải Phòng; khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên; khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh.

Bên cạnh đó, trong nội dung nhóm hạn chế thứ 5 của quy hoạch này có nêu "tính đến thời điểm hiện nay, việc triển khai xây dựng các khu kinh tế này rất chậm, đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế, thu hút đầu tư và phát triển các khu kinh tế này chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là cơ chế, chính sách đã ban hành cho các khu kinh tế chưa vượt trội so với những nơi khác, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao".

Phần hạn chế đã nêu như thế nhưng nội dung này chưa thấy đề cập trong phần định hướng phát triển, do vậy đại biểu đề nghị cần phải nêu rõ nội dung, định hướng phát triển đối với các khu kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, cũng cần bổ sung nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển các khu kinh tế ven biển phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững hơn.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết