Phát triển rừng gắn với xoá đói giảm nghèo, coi rừng thực sự là một nghề

“Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng, đảm bảo nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho chăn nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, đảm bảo coi rừng thực sự là một nghề”, đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) kiến nghị.
Rừng Tây Nguyên kêu cứuNhiều khó khăn để phát triển công nghệ điện rác tại Việt NamĐBSCL: Thách thức trong việc bảo vệ môi trường ở các làng nghề

Chính sách giao đất giao rừng chưa tạo động lực tự giác bảo vệ, phát triển rừng

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, đại biểu Tống Thanh Bình cho biết, diện tích rừng cả nước hiện tại chủ yếu tập trung ở vùng địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn. Song thực tế cho thấy, ở các khu vực này đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể dựa vào rừng để đảm bảo sinh kế có thu nhập và sống ổn định từ rừng.

Trong khi đó, chính sách giao đất giao rừng chưa đi kèm với hướng dẫn quy định cụ thể về nguồn lực tài chính, định mức chi trả cho khoanh nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng tuy đã được cải thiện song còn quá thấp, chưa thực sự tạo động lực để người dân chủ động tự giác bảo vệ, phát triển rừng.

Theo đại biểu Tống Thanh Bình, trong bối cảnh và thực trạng ở Việt Nam, khi các nước đầu nguồn các con sông, suối lớn đã và đang và sẽ thực hiện việc ngăn chặn dòng, vấn đề trồng rừng, bảo vệ rừng để sinh thủy nước ngọt ổn định, an ninh nguồn nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

phat trien rung gan voi xoa doi giam ngheo coi rung thuc su la mot nghe
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Quốc Khánh)

Trước thực trạng đó, đại biểu Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng, đảm bảo nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho chăn nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, đảm bảo coi rừng thực sự là một nghề.

“Đây là một trong những giải pháp không thể có giải pháp nào tốt hơn. Đảm bảo tính khả thi và động lực khuyến khích người dân chủ động, tích cực trong bảo vệ, phát triển rừng một cách tự giác lâu dài, duy trì sinh tuổi, tạo nguồn nước ngọt ổn định, an ninh nguồn nước, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng”, đại biểu Bình nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập người dân

Đồng quan điểm với đại biểu Tống Thanh Bình, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) cho rằng, Nghị định số 75 ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số với các chính sách, cơ chế theo nghị định này sẽ kết thúc vào cuối năm nay và gia hạn thêm 7 năm. Có nghĩa là đến năm 2027, với nhóm chính sách trợ cấp gạo, trồng rừng thay thế nương, rẫy.

Qua thực tiễn thực hiện các chính sách theo Nghị định số 75 nhận thấy với 6 nhóm chính sách hỗ trợ qua gần 5 năm thực hiện đã đạt được những thành quả nhất định và đáng ghi nhận.

Đại biểu Định Công Sỹ cho biết, qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ còn thấp, chưa thực sự thu hút được các hộ dân và cộng đồng tham gia. Để bảo đảm tính bền vững và tiếp nối các chính sách, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sớm có đánh giá và điều chỉnh, bổ sung tăng mức hỗ trợ cũng như phương pháp triển khai.

“Nếu chính sách này tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào tiểu dự án 1 của dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Làm như vậy không chồng chéo về chính sách, tập trung ngân sách chi cho đầu tư phát triển, gắn kết được sinh kế của người dân với phát huy lợi thế từ rừng trồng, rừng khoanh nuôi”, đại biểu Sỹ nói.

Ông Sỹ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát và nghiên cứu hợp nhất chính sách này. Cùng với sự hỗ trợ trực tiếp thì đồng thời cần có các chính sách thu hút, mời gọi các nhà đầu tư tâm huyết với nông nghiệp, với lâm nghiệp và tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm của người dân.

Khương Trung - Tuyết Chinh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường