Phóng viên môi trường: Nghề nguy hiểm đứng thứ hai thế giới

Nhiều phóng viên môi trường trên thế giới đã và đang phải đối mặt với nguy cơ bị sát hại, trở thành nghề nguy hiểm chỉ sau chiến tranh.
Con người đứng trước thảm kịch hủy diệt hoàn toàn sự sống

Theo một báo cáo mới công bố của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), trong những năm gần đây, có ít nhất 13 phóng viên chuyên điều tra các vấn đề về môi trường được xác định bị sát hại khi tác nghiệp. Ngoài ra, rất nhiều đồng nghiệp của họ đang phải đối mặt với nguy cơ bị quấy rối, bạo lực và kiện cáo.

phong vien moi truong nghe nguy hiem thu hai the gioi
Chiếc máy ảnh dính máu của một phóng viên ảnh được tìm thấy ở Somalia (phía Đông châu Phi). Ảnh: Reuters.

CPJ cho biết, các vụ việc liên quan đến cái chết của 16 nhà báo môi trường khác trong vòng 10 năm qua vẫn đang được điều tra. Trên thực tế, số phóng viên tử vong lên tới 29 người. Sự thật đau lòng này khiến cho phóng viên môi trường trở thành lĩnh vực nguy hiểm chỉ sau chiến tranh.

Báo cáo này được thực hiện bởi dự án có tên Green Blood, nhằm phản ánh tình trạng các phóng viên môi trường ở nhiều nơi trên thế giới bị buộc phải từ bỏ sự nghiệp, thậm chí là tính mạng của họ.

Các phóng viên hàng đầu về môi trường trên thế giới hầu hết đang tích cực đào sâu các vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên,… do quá trình công nghiệp hoá. Những phát hiện của họ đe doạ trực tiếp đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp và tổ chức lớn.

Các thành viên Green Blood cho biết, môi trường vẫn đang hằng ngày chịu sức ép kinh khủng từ việc sản xuất hàng hoá phục vụ cho nhu cầu của con người. Trên thế giới, có rất nhiều con sông đang "oằn mình" gánh chất thải công nghiệp, bầu không khí ở các thành phố đặc quánh bởi khói nhà máy và bụi siêu mịn, các vùng đất vốn giàu tài nguyên đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt,… Những phóng viên môi trường nhận nhiệm vụ khó khăn nhất - đưa những bất cập này ra ánh sáng.

Ông Bruce Shapiro - Giám đốc Trung tâm Báo chí và Chấn thương Dart của Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, các vấn đề về môi trường hiện đang bị tác động tiêu cực bởi nhiều thế lực "ngầm" lớn trên thế giới. Để bảo vệ lợi ích của mình, họ sẵn sàng huỷ hoại thiên nhiên lẫn đồng loại.

"So với tìm hiểu về các băng nhóm mafia, buôn ma tuý,… điều tra về môi trường ngày nay thậm chí có phần nguy hiểm hơn" - ông Shapiro nhận định.

Theo ông Joel Simon - Giám đốc điều hành của CPJ, đây không phải là một vấn đề mới, nhưng nó ngày càng trở nên gay gắt hơn khi tốc độ biến đổi khí hậu đang tăng "phi mã", cuộc sống của con người bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là lý do khiến các báo cáo về môi trường trở nên tối quan trọng, đây là bước đầu tiên trong công cuộc cứu lấy hành tinh "xanh".

Trong hơn 8 tháng qua, Green Blood đã mở rộng phạm vi điều tra ra nhiều địa phương khác nhau trên thế giới. Vụ việc đầu tiên liên quan tới một mỏ quặng ở Tanzania bị khai thác "chui", những kẻ cầm đầu thậm chí đã ép buộc dân làng phải di dời, bắn chết những ai chống đối và hiếp dâm phụ nữ. Sau khi các bê bối trên bị "bóc trần", hai toà soạn báo đã phải dừng hoạt động, tất cả các phóng viên liên quan bị mất việc.

Bên cạnh đó, nổi bật là cuộc điều tra về mỏ niken ở đất nước Guatemala - khu vực có người Maya sinh sống. Đây là kim loại quý, không gỉ, được sử dụng trong sản xuất xe điện, dụng cụ nhà bếp, phẫu thuật,... Giá trị của chúng trên thị trường hiện đang tăng theo cấp số nhân. Để khai thác niken, nhiều gia đình Maya bị cắt nước để cưỡng chế rời khỏi nơi cư trú. Những kẻ đứng sau kế hoạch khai thác thậm chí đã thông đồng với một số quan chức địa phương, bỏ tù những ai chống đối. Nhiều phóng viên đưa tin về vụ việc này đã phải bỏ trốn vì bị đe doạ, số khác phải chịu quản thúc tại gia.

Theo báo cáo của Green Blood, Ấn Độ là một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Trong số 13 phóng viên thiệt mạng kể từ năm 2009, ba người được xác định là bị giết trong quá trình tác nghiệp. Ba phóng viên Ấn Độ khác hoạt động tại cơ sở Philippines cũng đã hy sinh tính mạng, chưa kể tới nhiều trường hợp đau lòng khác ở Panama, Colombia, Russia, Cambodia, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.

Năm 2015, sau khi viết loạt bài về nạn khai thác cát bừa bãi ở miền bắc Ấn Độ, nhà báo Jagendra Singh đã bị một băng đảng thiêu sống ngay tại nhà mình. Phía cảnh sát không đưa ra được phán quyết nào về thảm kịch trên, thậm chí còn nói với truyền thông về khả năng ông Singh "tự sát".

Ông Ryan Powell, chuyên gia phát triển truyền thông đang làm việc tại khu vực phía Đông và Tây châu Phi cho biết: "Các nhà báo ở Tanzania bị tấn công mà không cần lý do. Cảnh tượng này quen thuộc tới mức không ai buồn can thiệp nữa".

Quốc gia này đã trượt 25 bậc trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, đứng thứ 118 trên 179 quốc gia trong bảng xếp hạng. Ở Nam và Trung Mỹ, các phóng viên bản địa cũng phải đối diện với những nguy cơ tương tự.

Trước tình hình trên, ông Jimmy Morales - Tổng thống Guatemala đã đưa ra một số chính sách quốc gia để bảo vệ các nhà báo ngay sau khi đắc cử vào năm 2016. Tuy nhiên, bộ Nội vụ nước này vẫn chưa tán thành.

Hiện vẫn chưa xác định rõ sự tác động của các thế lực "ngầm" lên chính quyền các nước về các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy có nhiều thông tin quan trọng đang bị che giấu bởi những cách thức cực đoan. Điều này không chỉ gây nguy hại cho các nhà báo mà còn góp phần “chặt đứt” nỗ lực bảo vệ môi trường của các tổ chức chính nghĩa trên thế giới.

Diệu Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết