Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp về xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Coi quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học là nền tảng
Việt Nam được đánh giá có sự phong phú về đa dạng sinh học, thế nhưng, trước tác động của phát triển nóng về kinh tế thời gian qua, đa dạng sinh học đang bị suy thoái. “Làm sao để giữ được mảng xanh tự nhiên mà vẫn đảm bảo sự phát triển của kinh tế? Phải giữ thiên nhiên, bảo vệ môi trường cảnh quan, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là mục tiêu mà quy hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học trong giai đoạn 2021 – 2030 hướng tới”, Thứ trưởng đặt vấn đề.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong 10 năm tới có ý nghĩa rất quan trọng khi đóng vai trò là một yếu tố nền tảng, cấu thành sự phát triển của đất nước theo hướng bền vững. Đây được coi là một lớp trong các quy hoạch của ngành TN&MT và phải được hoàn thành trước quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phải có tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo với các quy hoạch khác có liên quan, như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trình bày định hướng về việc lập quy hoạch này, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được lập trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả phần đất liền, biển và hải đảo. Có 6 đối tượng được đưa vào quy hoạch, bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên; Hành lang đa dạng sinh học; Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Khu vực đa dạng sinh học cao; Cảnh quan sinh thái quan trọng và các vùng đất ngập nước quan trọng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài phát biểu tại cuộc họp. |
Nguyên tắc khi xây dựng quy hoạch đã được xác định rõ, đó là: Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái nhằm giảm tối đa mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững. Áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái trong xây dựng quy hoạch Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên. Huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.
Việc lập quy hoạch giai đoạn mới được thống nhất theo các tiêu chí của Luật Đa dạng sinh học trên cơ sở phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của hệ thống quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học hiện có.
Theo đó, quy hoạch đa dạng sinh học giai đoạn 2021 – 2030 nhằm bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Quy hoạch cũng đòng thời phải xác định được tầm nhìn đến năm 2050 đối với đa dạng sinh học của Việt Nam.
Quy hoạch phải gắn chặt với địa phương
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài, điểm đáng lưu ý là quy hoạch bảo vệ đa dạng sinh học được xây dựng đồng thời cùng 2 quy hoạch chuyên ngành khác, đó là Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và Quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường. “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế, là cơ sở của xây dựng hệ thống quan trắc. Từ quy hoạch vùng bảo vệ đa dạng sinh học, phân vùng bảo vệ môi trường, mạng lưới các điểm quan trắc môi trường sẽ tạo sự đồng bộ trong việc quản lý môi trường quốc gia”, ông Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. |
Khẳng định vai trò quan trọng và tính thống nhất của các quy hoạch này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, Tổng cục Môi trường sẽ lập Ban quản lý chung của 3 quy hoạch, đảm bảo tính kế thừa, phù hợp, tránh chồng chéo.
Riêng đối với quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, Thứ trưởng cho rằng, cần đánh giá cụ thể hiện trạng đa dạng sinh học, môi trường ở các địa phương trong cả nước. Làm rõ nội hàm khái niệm và cơ sở pháp lý của 2 đối tượng đưa vào quy hoạch là “Khu vực đa dạng sinh học cao” và “Cảnh quan sinh thái quan trọng”.
Thứ trưởng cũng lưu ý, việc xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia phải gắn liền với thực tế và định hướng phát triển của mỗi vùng, mỗi địa phương; từ đó xác định mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 10 năm tới.
“Sẽ có bao nhiêu khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập? Vùng nào sẽ dành để bảo tồn thay vì khai thác để phát triển công nghiệp?” Thứ trưởng nêu vấn đề và yêu cầu, Tổng cục Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch đa dạng sinh học cấp tỉnh, đồng thời đề nghị địa phương báo cáo thực trạng đa dạng sinh học và môi trường về Tổng cục.
Theo Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được ban hành ngày 3/2/2020: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả. |