Biển đảo là phần lãnh thổ quan trọng
Quy hoạch không gian biển quốc gia là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia góp phần triển khai các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã nghe báo cáo tình hình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là nghe các ý kiến tư vấn từ Ngân hàng Thế giới (WB) để nghe tư vấn cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về quan điểm xây dựng, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về sử dụng không gian biển, trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển, có nền văn hóa biển đậm đà bản sắc, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Với không gian biển rộng lớn và hơn 1 triệu km2 đường biển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay, đầu tư của Việt Nam cho biển là chưa đáp ứng được tiềm năng, do đó, dữ liệu về tài nguyên môi trường biển còn thiếu, chưa có hoặc rời rạc, chưa được cập nhật, trong khi đó, biển thay đổi từng ngày từng giờ, nên chưa thể đáp ứng được mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cần phải phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, từ quy hoạch sẽ đưa ra các lựa chọn ưu tiên để phát triển toàn diện, bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa các phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Do đó, Bộ trưởng mong muốn nghe các chuyên gia của WB tư vấn cho Bộ TN&MT dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, áp dụng những công nghệ, khoa học và cơ sở dữ liệu hiện đang có sẵn của Bộ từ địa chất, viễn thám, khí tượng… để đưa ra được bản quy hoạch đáp ứng được thực tiễn.
Chuyên gia đề xuất giải pháp
Trước đó, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân: “Lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Dự thảo được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước”.
Bên cạnh đó, Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý được xem là việc “mở đường” tháo gỡ những vướng mắc, để quy hoạch được đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Tại cuộc họp vừa diễn ra, các chuyên gia của WB đưa ra dự thảo về các khái niệm quy hoạch không gian biển; phương pháp, cách tiếp cận lập quy hoạch; kinh nghiệm của các nước trong việc phân vùng sử dụng không gian biển. Các kinh nghiệm, kiến thức có được từ chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã được xem xét, đưa vào áp dụng để lập Quy hoạch không gian biển quốc gia…
WB cũng đưa ra các giải pháp để bảo vệ và phát triển các khu vực biển như lập các bản đồ theo dõi những biến động của các khu vực dễ tổn thương; xây dựng hành lang bảo vệ (xây dựng đê, kè chắn sóng); lập kế hoạch thích ứng bằng cách di chuyển các hoạt động kinh tế và người dân; chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với thực tiễn…
Xem xét và đánh giá báo cáo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, báo cáo của WB tuy bám sát nội dung nhưng chưa cập nhật những số liệu và những hoạt động của Việt Nam trong thời gian qua. Ví dụ ở khu vực ĐBSCL, Việt Nam không xây đê, kè chắn sóng để ngăn chặn xâm nhập mặn mà đưa ra những giải pháp là thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, Người đứng đầu Bộ TN&MT đề nghị, WB tham khảo cam kết của Việt Nam tại COP26; kế hoạch phát triển xanh; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu… để từ đó, đưa ra được giải pháp cho quy hoạch không gian biển giải quyết các xung đột vừa bảo vệ bảo tồn hệ sinh thái, vừa phát triển kinh tế xã hội của vùng của quốc gia vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng mong muốn phía Ngân hàng Thế giới đưa ra những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các xung đột các ngành nghề, các mục tiêu trên không gian biển; đưa ra được tầm nhìn dài hạn cho quy hoạch.
Theo đó, quy hoạch này là pháp lý quan trọng cho vấn đề quản lý tài nguyên môi trường biển gắn với các lĩnh vực kinh tế để phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương. Dựa vào sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế cũng như nội lực, Việt Nam quyết tâm thực hiện cho được. Quy hoạch được xác định ở 4 trụ cột đó là đảm bảo chủ trương chính sách của Đảng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo hội nhập quốc tế và đảm bảo môi trường phát triển bền vững.
Quy hoạch không gian biển là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia góp phần triển khai chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển. Nội dung của Quy hoạch đã bám sát các quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 của chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia.
Lan Anh