Quyền được sống ở môi trường trong lành

Trong bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi), tại Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân), Điều 42 đã nêu rõ: mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường đó.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Đâu là điểm mới trong đánh giá tác động môi trường?Nước biển ấm lên - mối nguy hiểm đối với hệ sinh thái đại dươngBảo vệ, chăm sóc rừng đặc dụng

1. Cách đây 7 năm, vào hồi 9 giờ 55 phút sáng ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành chính thức thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi).

Trong bản dự thảo Hiến pháp lịch sử này, quyền con người đã được khẳng định với một nội dung mới đầy đủ, sâu sắc, toàn diện và phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người.

Tại Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân), Điều 42 đã nêu rõ: mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường đó.

Với quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị, Điều 42 này nói lên nhiều vấn đề.

quyen duoc song o moi truong trong lanh
Đô thị càng phình to, dân số càng đông lại tỉ lệ nghịch với chất lượng sống. (Ảnh minh họa)

2. Ở nước ta, mỗi khi nhắc đến một đô thị nào đó, người ta thường nghĩ ngay đến quy mô dân số và diện tích hành chính, trước khi nghĩ đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... và còn xa mới là chất lượng sống. Quản lý đô thị nặng về kiểm soát và xây dựng phát triển, mà thiếu quan tâm đến giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và chất lượng sống của cư dân đô thị. Đây là vấn đề yếu kém nhất của hệ thống đô thị nước ta hiện nay.

Không khó nhận thấy, đô thị càng phình to, dân số càng đông lại tỉ lệ nghịch với chất lượng sống.

Đô thị thiếu không gian xanh như công viên, dải cây xanh, hồ nước… để cải thiện vi khí hậu. Một thời gian dài do chạy theo phát triển kinh tế mà rất nhiều hồ, đầm bị san lấp nhường chỗ cho các khu đô thị mới, công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn. Thậm chí, ở một số đô thị miền núi, trung du nhiều cánh rừng bị chặt hạ nhường chỗ cho các resot, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, sân golf...

Đô thị thiếu các cơ sở phục vụ cộng đồng như trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nhà hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, khu vui chơi cho trẻ em, nơi nghỉ dưỡng cho người cao tuổi.

Do thiếu tầm nhìn trong công tác lập quy hoạch và hạn chế bởi năng lực quản trị, dẫn đến hệ thống giao thông công cộng đô thị yếu kém, thường xuyên ách tắc giao thông, ngập úng, thiếu nước sạch… Môi trường sống bị ô nhiễm bởi tiếng ồn và bụi bẩn của các công trình xây dựng; tiếng gầm rú và khí thải bởi hàng vạn xe ô tô, hàng triệu xe máy...

Các khu đô thị mới vốn được kỳ vọng trở thành hình mẫu của đô thị văn minh nhưng rất nhiều nơi thiếu không gian xanh, không gian công cộng, thiếu kết nối với hệ thống giao thông công cộng của thành phố nên trở thành những ốc đảo “sang trọng” mà cô độc (!).

Quyền con người bị xâm phạm, khi mà trẻ em sống trong đô thị thiếu chỗ vui chơi an toàn và phù hợp với tuổi thơ. Các trường học phổ thông các cấp, kể cả trường mẫu giáo, hầu hết không đạt chuẩn bởi thiếu sân chơi, phòng học.

Quyền con người bị xâm phạm khi đô thị thiếu các không gian công cộng, công trình phục vụ cộng đồng, cơ sở y tế.

Quyền con người bị xâm phạm khi vỉa hè, không gian chung bị lấn chiếm vì tư lợi… mà không bị chính quyền xử lý.

Quyền con người bị xâm phạm khi nạn xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại, kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của cư dân.

quyen duoc song o moi truong trong lanh
Các khu đô thị đang thiếu không gian xanh, không gian công cộng. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, quyền thực thi nghĩa vụ của cư dân đô thị không được phát huy. Đó là trách nhiệm tham gia đóng góp với chính quyền về những dự án phát triển liên quan đến cộng đồng, đến xã hội như các dự án quy hoạch xây dựng và điều chỉnh quy hoạch; các dự án về phát triển giao thông; trách nhiệm bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa trong đô thị...

3. Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân đã được hiến định mà từ trước đến nay, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, chính quyền và cư dân đô thị lãng quên, thậm chí nhiều người còn không biết. Vì thế trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng trong xây dựng cải tạo và giữ gìn môi trường sống đô thị cũng kém đi hoặc thực hiện không đầy đủ.

Hiến pháp (sửa đổi) 2013 đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều đó cần được soi chiếu trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị và xây dựng văn hóa đô thị. Điều đó càng quan trọng và có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển công nghiệp 4.0 với đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị bền vững và với cả rất nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu và đại dịch đã, đang và sẽ còn gây ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

KTS Phạm Thanh Tùng
Theo Báo TN&MT