Nằm ở ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của Australia, với khoảng 3.000 tảng đá ngầm riêng biệt cùng 900 hòn đảo, rạn san hô Great Barrier trải dài gần 2.600 km, nằm giữa vùng biển rộng gần 350.000 km2. Theo đó, một phần của khu vực đá ngầm này thuộc Công viên hải dương rạn san hô cùng tên Great Barrier.
Về mặt kích thước, rạn san hô này là sinh vật sống duy nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường và lớn hơn Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.
Rạn san hô Great Barrier có thể được nhìn thấy từ ngoài vũ trụ và là cấu trúc đơn lớn nhất thế giới được tạo ra bởi các sinh vật sống. Cấu trúc rạn san hô được hình thành bởi hàng tỉ sinh vật nhỏ, được gọi là những polyp san hô. Đây là môi trường sống của rất nhiều các loài động thực vật và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1981.
Great Barrier ở Australia là nơi có số lượng vô cùng lớn các loài động vật hoang dã đang sinh sống. Có trên 200 loài chim, kể cả đại bàng biển bụng trắng và chim nhạn hồng, 5.000 loài động vật thân mềm.
Các đá san hô ngầm dao động theo mực nước biển. Các nghiên cứu khoa học cho thấy những trầm tích san hô đã tồn tại ở đây từ nửa triệu năm trước. Cấu trúc san hô ngầm hiện nay đang bắt đầu phát triển trên nền địa chất cũ khoảng 18.000 năm trước. Vùng đất hình thành rặng Great Barrier trước đây là khu vực đồng bằng ven biển xen lẫn những ngọn đồi lớn.
Great Barrier được đánh giá là nơi có hệ sinh thái biển cực kỳ đa dạng và phong phú, nơi đây xuất hiện nhiều loài sinh vật trong sách đỏ đang gặp nguy hiểm. Với khoảng 30 loài cá heo, cá voi được ghi nhận, đặc biệt với sự xuất hiện của cá héo Indo - Pacific Humpback, cá voi Humpback. Có 6 loài rùa biển quý hiếm đến trú ngụ lại rạn Great Barrier như: Green, Hawksbill, Olive Ridley,...
Ghé thăm Great Barrier, du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng vùng biển san hô lớn nhất trên thế giới mà còn được khám phá thế giới đại dương, gặp gỡ nhiều loài động - thực vật quý hiếm mà không phải nơi nào cũng có.
Được biết đến như một trong những địa điểm đẹp nhất thế giới, rạn san hô Great Barrier hiện đang phải đối mặt với những mối đe dọa do nhiệt độ nước biển tăng, ô nhiễm nguồn nước, đánh bắt cá khiến cho rạn san hô ngày càng bị xói lở. Đặc biệt, tình trạng tẩy trắng san hô ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu gây ra bởi con người, khi các đại dương phải hấp thụ khoảng 93% nhiệt lượng gia tăng của Trái Đất.
Đứng trước nguy cơ đó, nhiều nỗ lực bảo tồn đã góp phần làm giảm diện tích những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tẩy trắng, giúp rạn san hô Great Barrier Australia thoát khỏi danh sách “Di sản thế giới đang lâm nguy”.