Rừng Amazon bị tàn phá nghiêm trọng, hàng nghìn loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Báo cáo của Hội đồng khoa học Science Panel for the Amazon (SPA) cho biết, sự tàn phá của con người vẫn đang tiếp diễn đối với rừng Amazon đã khiến hơn 8 nghìn loài thực vật đặc hữu và 2,3 nghìn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Phục hồi hệ sinh thái rừng là bảo vệ tài nguyên vô giáChung tay bảo vệ rừng nhiệt đới vì sự sống trên Trái ĐấtPhát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vữngTăng độ che phủ rừng để nâng cao chất lượng môi trường sống

Hơn 10 nghìn loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao do rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá và 35% trong số này đã bị chặt phá hoặc đang suy thoái. 

Đây là nội dung bản thảo một báo cáo quan trọng của Hội đồng khoa học Science Panel for the Amazon (SPA), được công bố vào ngày 14/7. Báo cáo được tổng hợp từ các nghiên cứu về rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới do 200 khoa học trên toàn cầu thực hiện. Đây là báo cáo đánh giá chi tiết nhất về tình trạng rừng Amazon cho đến nay, đồng thời nêu bật vai trò quan trọng của Amazon đối với khí hậu toàn cầu cũng như chỉ ra những nguy cơ tiềm tàng mà “lá phổi xanh” của Trái Đất đang phải đối mặt.

Diện tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng

Báo cáo cũng cho biết, đến nay, khoảng 18% diện tích rừng Amazon đã bị tàn phá, chủ yếu là do hoạt động nông nghiệp cũng như khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, khoảng 17% diện tích tại đây đang ở trong tình trạng bị suy thoái.

Giáo sư Mercedes Bustamante tại Đại học Brasilia nhấn mạnh các nghiên cứu khoa học cho thấy, con người phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng thảm khốc và không thể đảo ngược do nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học. Tuy nhiên, vẫn còn “khe cửa hẹp” để thay đổi quỹ đạo này.

tm-img-alt
Một khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi ở gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, báo cáo nhấn mạnh rừng nhiệt đới là một bức tường thành quan trọng chống lại biến đổi khí hậu. Do đó, việc giảm nạn phá rừng và tình trạng suy thoái rừng xuống mức 0 trong chưa đầy một thập kỷ "là rất quan trọng." Ngoài ra, báo cáo cũng kêu gọi khôi phục trên quy mô lớn đối với các khu vực đã bị phá hủy.

Tại Brazil, nạn phá rừng đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019. Tỉ lệ phá rừng năm 2020 ở mức cao nhất trong 12 năm qua và điều này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế.

Nhà lãnh đạo Brazil cho phép khai mỏ và canh tác nông nghiệp tại các khu vực được bảo tồn ở rừng nhiệt đới Amazon, đồng thời làm giảm vai trò của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường. Các nhà môi trường học và các nhà khoa học cho rằng chính điều này đã trực tiếp dẫn tới nạn phá rừng ngày càng tăng.

Cách đây một tuần, quốc gia láng giềng Colombia cho biết tỉ lệ phá rừng tại đây đã tăng 8% trong năm 2020 so với một năm trước đó, lên mức 171.685 ha. Có tới gần 64% số vụ phá rừng diễn ra tại khu vực rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Colombia.

Rừng Amazon "thải" carbon nhiều hơn mức hấp thu

Một nghiên cứu riêng biệt khác đăng tải trên tạp chí Nature số ra cùng ngày cho thấy, một số khu vực của Amazon đang “nhả” nhiều carbon hơn lượng mà chúng hấp thụ.

Các nhà khoa học ước tính lượng carbon dixoxide thải ra từ rừng Amazon là 1 tỉ tấn một năm, tương đương với phát thải của cả Nhật Bản.

Phần lớn lượng khí thải này là từ các hoạt động đốt và khai hoang để lấy đất chăn nuôi bò và trồng đậu nành. Việc đốt phá tạo ra 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm và rừng chỉ "xử lý" được 0,5 tỉ tấn.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận "lá phổi" Amazon thải khí carbon nhiều hơn hấp thu.

Trong khi đó, tại khu vực đông nam Amazon, dù không bị đốt phá nhưng nhiệt độ cao và khô hạn cũng khiến rừng thải ra nhiều CO2 hơn. Đây là điều khiến các nhà khoa học lo ngại. Nguyên nhân được cho là việc đốt, phá rừng nhiều năm qua đã làm rừng suy yếu.

Cây rừng tạo ra một lượng mưa lớn cho khu vực và ít cây hơn sẽ gây hạn hán, nắng nóng và tạo ra vòng lặp cây cối bị chết, cháy rừng.

"Chúng ta đang có một vòng lặp rất tiêu cực khiến rừng dễ bị tổn hại từ những đám cháy không kiểm soát" - tờ Guardian dẫn lời nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu là Luciana Gatti, thuộc Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, nhận định.

Nghiên cứu dựa trên gần 600 dữ liệu đo đạc bằng máy bay nhỏ bay trên các khu vực ở Amazon trong 1 thập kỷ qua để ghi nhận sự thay đổi của cánh rừng.

"Tin xấu thứ nhất là việc đốt rừng thải ra gấp 3 lần lượng CO2 mà rừng có thể hấp thu. Tin xấu thứ 2 là những nơi có tỉ lệ phá rừng trên 30%, sự phát thải carbon cao gấp 10 lần những khu vực rừng bị phá dưới 20%" - bà Gatti nói.

Các nhà khoa học cảnh báo việc Amazon dần mất đi khả năng hấp thu CO2, một lần nữa cho thấy sự cấp bách phải cắt giảm khí thải. 

Liên Hợp Quốc kêu gọi ngăn chặn tàn phá sinh thái trên Trái Đất

“Năm 2020 thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người”, ông Erik Solheim - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chia sẻ.

Với việc khởi động “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái”, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 là cơ hội để Liên Hợp Quốc huy động những "nỗ lực chưa từng có giúp chữa lành Trái Đất". Theo đó, mục tiêu nhằm kêu gọi bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đồng thời, ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.

Minh Phương

Xem thêm

Liên kết