Doanh nghiệp đổ trộm đất đá xuống biển
Mới đây, UBND huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phương Đông (trụ sở tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), vì đã đổ đất, san lấp mặt bằng trên diện tích đất chưa sử dụng do UBND xã Đông Xá quản lý.
Theo đó, diện tích bị lấn chiếm khoảng 16.000 m2 tại thôn Đông Tiến, xã Đông Xá. UBND huyện Vân Đồn yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phương Đông khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn chiếm. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày công ty nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Vân Đồn.
UBND huyện Vân Đồn thông tin thêm, lợi dụng các cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn đang tập trung vào việc phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 28/1, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phương Đông đã đổ trộm đất, đá xuống biển (vịnh Bái Tử Long) ở khu đô thị Phương Đông, khiến người dân địa phương bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Thạc sỹ, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco cho rằng, việc đổ đất đá xuống biển, tạo mặt bằng cho dự án không nên coi là hành vi san lấp trái phép như bình thường. Chúng ta cần coi đó là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường biển.
Vịnh là một phần của biển. Việc có các hành động gây ảnh hưởng đến tình trạng bình thường của vịnh, ảnh hưởng đến môi trường vịnh là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường biển.
“Theo cá nhân tôi, việc xác định hành vi san lấp vịnh là hành vi vi phạm về san lấp mặt bằng là không chính xác. Sự việc khiến nhân dân Vân Đồn nói chung và những người đang mưu sinh bằng nghề đào sá sùng ở bãi bồi khu vực này lo ngại, bất bình và phản ánh tới chính quyền địa phương. Theo người dân Vân Đồn, hành vi này làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, mất đi nguồn lợi thủy sản, chủ yếu là con sá sùng có giá trị kinh tế cao”, Luật sư Phong nói.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 27, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thì hành vi Đổ chất thải rắn từ đất liền xuống biển mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tức là phải trả lại bờ vịnh về nguyên trạng như ban đầu.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?
Được biết, thời gian qua, hàng loạt các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có sai phạm trong quá trình xây dựng các công trình trên vịnh Bái Tử Long. Trong đó, điển hình là tình trạng xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trong thời gian dài.
Trong đó phải kể đến công trình chùa chiền kết hợp nhà thờ tự được xây dựng hoành tráng trên khu vực đảo Thẻ Vàng (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).
Một "biệt phủ" khác được xây trái phép trên hòn Soi Dâu, tại Khoảnh 3, Tiểu khu 302 (cũ) trên vịnh Bái Tử Long (thuộc xã Thắng Lợi). Chủ sử dụng đất là ông Phạm Thế Duy được UBND huyện Vân Đồn cho thuê 1.200 m2 đất lâm nghiệp, với thời hạn 50 năm, mục đích sử dụng “rừng trồng khoanh nuôi bảo vệ”. Tuy nhiên từ năm 2009 đến nay, ông Duy cho xây dựng hàng loạt công trình trái phép.
Một đại công trường khác cũng được xây dựng tại khu vực giáp ranh Đền Vạ Giếng trên vịnh Bái Tử Long, thuộc xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn). Mặc dù không được phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng chủ sử dụng đất đã tự ý xây dựng một số hạng mục công trình tại khu vực giáp ranh Đền Vạ Giếng, gồm: Một nhà sàn gỗ 2 tầng, cột gỗ, sàn gỗ, mái ngói với diện tích 80 m2 (không phù hợp với mục đích làm nhà sắp lễ phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân)…
Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp chỉ đạo, yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và kiến nghị xử lý đối với các công trình xây dựng trái phép trên vịnh Bái Tử Long.
Trao đổi về các hành vi vi phạm xảy ra trên vịnh Bái Tử Long, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, hành vi vi phạm nêu trên không đơn thuần là hành vi vô ý mà là sự cố tình có tính toán và có ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan và môi trường biển. Luật sư Phong đặt nghi vấn, nếu không có sự tiếp tay, làm ngơ của cơ quan và cán bộ có chức trách thì những hành vi như vậy không thể tồn tại một cách lâu dài và liên tục, với khối lượng đất đá đổ xuống biển hàng nghìn mét khối.
“Liệu có sự bắt tay giữa doanh nghiệp và cán bộ có thẩm quyền trên địa bàn để thực hiện hành vi vi phạm. Nếu như chính quyền thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong việc giám sát, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm thì sẽ không có chuyện vi phạm như vậy diễn ra trên địa bàn”, Luật sư Phong nêu ý kiến.
Đồng thời, vị luật sư này cho rằng, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính thì cần thực hiện nghiêm và đầy đủ chế tài khắc phục hậu quả. Chi phí khắc phục hậu quả sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với số tiền phạt, nên doanh nghiệp sẽ phải sợ hơn và buộc phải chấp hành quy định pháp luật tốt hơn.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh hơn ở đây, là tại sao chỉ xử lý doanh nghiệp vi phạm mà không xử lý cán bộ có thẩm quyền về lỗi thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát. Pháp luật đã có quy định về xử lý cán bộ, công chức nhưng việc áp dụng trên thực tế còn là một câu hỏi rất lớn đối với công tác quản lý cán bộ của chúng ta hiện nay”, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco nhấn mạnh.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đô thị Phương Đông được hành lập từ tháng 7/2005, là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn quy mô 171 ha tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Tháng 7/2020, Công ty này đã ký kết hợp tác chiến lược với Hải Phát Land, qua đó đẩy mạnh việc phân phối sản phẩm tại dự án Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn. Từ ngày 2/10/2020, vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Phương Đông do ông Phạm Văn Quang (SN 1985) đảm nhiệm.