Sáu nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Trước tầm quan trọng của thiên nhiên, biển, đại dương với cuộc sống con người, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kêu gọi cả nước chung tay bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biểnBảo vệ môi trường biển vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biểnCuộc thi Nhiếp ảnh đại dương 2021: Những góc nhìn khác về môi trường biểnCông bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo Quốc gia

Thiên nhiên, biển, đại dương có tầm quan trọng đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên con người đang đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, rác thải nhựa, đòi hỏi sự hợp tác, chung tay giải quyết của các quốc gia.

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.

Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - Ảnh 1
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6). (Ảnh: Bộ TN&MT)

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh kêu gọi cả nước chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

"Với sự chung tay hưởng ứng của toàn dân và xã hội, tôi tin tưởng rằng chúng ta nhất định sẽ thành công!” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã nêu ra sáu nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm bảo vệ tài nguyên và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Thứ nhất là ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế. Khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai là quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng ven biển, tăng cường liên kết với vùng nội địa.

Thứ ba là, tập trung ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ, xử lý các nguồn ô nhiễm, nói không với rác thải nhựa…

Thứ tư là, tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu…

Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy; triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thứ sáu là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân...

Lan Anh