Tăng trưởng nóng cùng nợ xấu
Được thành lập từ việc hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém khác là SCB, Ficombank, TinNghia Bank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tiên phong trong làn sóng sáp nhập (M&A) theo chủ trương tái cơ cấu ngành của Ngân hàng Nhà nước.
Sau hợp nhất vào đầu năm 2012, SCB trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản và vốn điều lệ lớn nhất.
Tuy nhiên, ngay sau đó SCB đã gặp rất nhiều khó khăn khi có tỷ lệ nợ xấu rất cao và thanh khoản của 3 ngân hàng tiền thân SCB suy giảm mạnh. Nhà băng này phải nhờ đến các khoản vay tái cấp vốn từ NHNN, phụ thuộc vào huy động trên thị trường liên ngân hàng.
Các khoản nợ xấu của SCB nằm khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản. Nhà băng này có mối quan hệ tín dụng khá thân thiết với Vạn Thịnh Phát, một trong những tập đoàn bất động sản tại TP.Hồ Chí Minh. Do đó, SCB được nhắc đến nhiều hơn với tên gọi “ngân hàng tin đồn” của Vạn Thịnh Phát.
Tính đến hết năm 2020, tổng nợ xấu của SCB của ngân hàng này là 8.221 tỉ đồng, chiếm 2,34% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với năm 2019.
Tuy nhiên, con số nợ trên chưa phản ánh hết bản chất nợ xấu tồn đọng trong SCB.
SCB có khoản phải thu từ hoạt động tín dụng lên tới, 69.103 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu là 25.411 tỉ đồng, chiếm 36,8% các khoản phải thu từ hoạt động cho vay của ngân hàng. Chiếm phần lớn là nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) với 22.247 tỉ đồng, tiếp sau là nợ có khả năng mất vốn với 2.191 tỉ đồng.
Quá trình xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản VAMC diễn ra chậm chạp. Tính đến hết năm 2020, nợ xấu của SCB tại VAMC vẫn còn hơn 38.305 tỉ đồng. Đây là số nợ xấu của SCB bán cho VAMC và nhận lại trái phiếu đặc biệt với lãi suất 0%. Trong đó, nợ xấu ngân hàng đã bán cho VAMC tại thời điểm ngày 31/12/2020 là 10.178 tỉ đồng, nhận về trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn 5 năm (2020 - 2025). Còn lại là các trái phiếu trị giá 28.127 tỉ đồng do VAMC phát hành với kỳ hạn 10 năm.
Những vấn đề về nợ xấu khiến SCB là ngân hàng hiếm hoi không thể đảm bảo duy trì an toàn vốn tối thiểu để tham gia vào cuộc đua Basel II.
“Dễ dãi” rót vốn dù biết trước là nợ xấu và trái luật?
SCB nhiều năm nay thường không công báo đầy đủ thông tin trong các báo cáo tài chính quý và năm. Ban lãnh đạo ngân hàng đã cắt lược hết toàn bộ thông tin về dòng tiền, thông tin về cổ đông, công ty con cũng như chi tiết thuyết minh các khoản mục tài chính trong báo cáo. Điều này làm tăng thêm nhiều nghi ngờ của các nhà đầu tư về tính minh bạch trong các hoạt động của SCB.
Trên thực tế, SCB luôn mập mờ với các hợp đồng tín dụng, rót vốn vô tội vạ cho các tập đoàn bất động sản sân sau, tạo nên khối nợ xấu khổng lồ, cảnh báo nguy cơ gây thất thoát tài sản.
Trong năm 2020, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại khu đất vàng 6.200m2 của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), SCB được chú ý hơn cả với những hợp đồng tín dụng nhiều nghìn tỉ đồng, với tài sản đảm bảo là những dự án khống.
Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt Việt Hân) đã không triển khai dự án trên lô đất công của công ty, mà chỉ sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lập hồ sơ vay bằng Dự án khống mang tên The Goldmark Premium Tower. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án này không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của cơ quan có thẩm quyền.
Thế nhưng, dù biết là Dự án khống, SCB vẫn nhiệt tình cho Việt Hân bảo lãnh vay vốn tới 3 lần, thậm chí cùng lúc cho các pháp nhân khác của Việt Hân vay vốn để thực hiện các dự án khác không liên quan đến cơ sở của dự án và giải ngân trái pháp luật.
Nhấn mạnh rằng, Việt Hân và SCB thực hiện công chứng các Hợp đồng thế chấp, nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo.
Lần thứ nhất, vào tháng 2 - 3/2017, SCB giải ngân 5.801 tỉ đồng cho Việt Hân với 9 hồ sơ khách hàng. Đến tháng 4/2018, Việt Hân Sài Gòn đã trả hết nợ gốc và lãi của 9 hợp đồng.
Cùng phương thức trên Việt Hân Sài Gòn tiếp tục vay 5.3171 tỉ đồng trong tháng 8/2017 và đã thanh toán cả nợ gốc, lãi trong tháng 8/2018.
Tiếp đó, SCB lại giải ngân cho Việt Hân 6.308 tỉ đồng theo cách cũ. Sau khi có Đoàn kiểm tra liên ngành, những đối tác vay vốn trên của SCB đã chủ động dùng tài sản khác để thay thế cho tài sản đảm bảo.
Đến nay, chưa thấy SCB có thông báo về việc tất toán các hợp đồng vay này.
Có thể thấy, mục đích hoạt động của SCB rõ ràng không minh bạch, thậm chí trái luật khi rót hàng nghìn tỉ đồng vào 1 dự án ma.
Lịch sử ngân hàng Việt Nam đã có những tiền lệ với hàng loạt “đại án” ngân hàng, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng như xảy ra ở ngân hàng ACB, Ngân hàng Xây Dựng VNCB, Ocean Bank hay như BIDV... Và gần đây nhất chính là SCB với Công ty Việt Hân.
Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, những sai phạm của ngân hàng trong mấy năm vừa qua đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là sự lạm dụng quyền hành trong ngân hàng.
Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục có những thông tin phân tích về chất lượng tài sản yếu kém của SCB trong kỳ sau.