Sở Xây dựng TP.HCM lại đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước

Theo đề xuất mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM, đến năm 2025, người dân sử dụng một mét khối nước sạch sẽ trả thêm 35% cho dịch vụ thoát nước, chưa tính thuế giá trị gia tăng.
‘Xanh hóa’ các dòng sông – nỗ lực vì an ninh nguồn nướcĐất ngập nước, Nước và Sự sống không thể tách rờiLan tỏa thông điệp xanh, giá trị của nước: Cách ứng xử đẹp vì sự sốngGiảm nước thải làng nghề bằng công nghệ thân thiện với môi trường (Kỳ 2)

Theo tờ trình của Sở Xây dựng, phí bảo vệ môi trường sẽ được thay thế bằng tên gọi là giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Cách thu vẫn dựa vào đơn giá sử dụng nước của mỗi hộ dân. Về mức thu cụ thể, Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án để thành phố duyệt.

Phương án 1: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Từ năm 2020 đến 2024 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng thêm 3% mỗi năm. Đây được đánh giá là mức tăng thấp.

Phương án 2: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Từ năm 2020 đến 2024 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng thêm 5% mỗi năm. Đây được đánh giá là mức tăng trung bình.

Phương án 3: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Năm 2020 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải bằng 20% giá nước sạch. Từ năm 2021-2024 mức thu tăng 5% mỗi năm. Đây là phương án tăng cao, tương tự mức đề xuất của thành phố Hà Nội.

tm-img-alt
Sở Xây dựng TP.HCM lại đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá, phương án 2 được cho là khả thi nhất, đảm bảo không gây ra nhiều xáo trộn, tác động xã hội.

Với phương án này, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được áp dụng từ năm 2020 sẽ có mức thu như sau:

Nếu tính theo giá nước sạch trung bình năm 2020 tại TP.HCM là 9.590 đồng/m3 thì người dân sẽ chịu 15% của mức giá nước trên để chi trả cho giá dịch vụ thoát nước (khoảng 1.439 đồng).

Cứ theo lộ trình tăng mỗi năm 5%, đến năm 2024 giá trung bình cho 1m3 nước khoảng 12.107 đồng thì người dân phải chịu mức phí cho dịch vụ thoát nước là 4.237 đồng (tương đương 35%).

Ví dụ thực tế một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 1 triệu đồng tiền nước sẽ phải đóng thêm khoảng 450.000 tiền thuế phí vào năm 2024, tức 45% bao gồm phí thoát nước và thuế VAT.

Trước đó, từ tháng 11/2019, giá bán nước sạch tại TP.HCM giai đoạn 2019-2022 đã tăng trung bình từ 5% đến 7%/năm. Nếu đề xuất này được chấp nhận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi mét khối sẽ tiếp tục tăng.

Hồi tháng 8/2020, Sở Xây dựng TP.HCM cũng trình UBND TP.HCM phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2020-2024.

Theo đó, giá dịch vụ thoát nước cũng được đề xuất tăng 5% mỗi năm. Cụ thể, giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên mỗi mét khối là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.

Thời điểm đề xuất lúc đó, nếu đề án được chấp thuận thì giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng. Số tiền này chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng.

Đề án khi đó đã nhận được nhiều góp ý, trong đó Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị UBND thành phố xem xét, chưa nên áp dụng giá dịch vụ thoát nước trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình dịch hiện nay.

Cũng từng cho ý kiến về đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước, TS Lê Bá Chí Nhân (chuyên gia kinh tế) cho rằng, trường hợp để thu phí thoát nước, phải giải quyết được các nguyên nhân: Thứ nhất là việc xả rác, bởi vì xả rác ảnh hưởng đến việc ngập nước (do rác thải nhiều che lấp các cống thoát nước), về vấn đề này cơ bản nhà nước, chính quyền đã có chỉ thị, vứt rác thế nào là đúng quy định và không đúng quy định. Tuy nhiên, xử phạt như thế nào, xử phạt ai thì vẫn chưa được làm rõ.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng hiện chưa được đồng bộ, bởi việc quy hoạch các khu vực xây dựng căn hộ, khu dân cư không tương đồng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ, ước lượng với 1.000 căn hộ thì sẽ có 4.000 hộ dân sinh sống, vậy việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cụ thể là hệ thống thoát nước thì khi số người dân này xả nước, xả thải có được tính toán đồng bộ với việc số lượng nước này sẽ rút ở đâu và xử lý như thế nào?. Vậy, trách nhiệm này thuộc về chính quyền, chủ đầu tư.

“Do đó, TP.HCM cần có sự tính toán hợp lý, bởi nhiều công trình xử lý nước thải, chống ngập… đã được đầu tư như đến nay vẫn chưa hoàn thành. Những vấn đề từ việc quy hoạch kiến trúc đến các cơ sở hạ tầng… cần phải được xem xét lại, đặc biệt là từ khâu cấp phép, liệu Sở Xây dựng đã cấp phép cho các công trình này đúng hay chưa?”, TS Lê Bá Chí Nhân nêu.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần xác định được nguyên nhân vì sao ngập nước, hiện nay nước không thoát được là vì hầu hết các kênh rạch đều được lắp đặt nhưng việc khơi thông dòng nước hay chứa nước đều không hiệu quả. Qua đó, việc đề xuất thu phí dịch thoát nước cần phải cẩn trọng nghiên cứu, nên lấy ý kiến của người dân, ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, có cơ sở khoa học thì việc áp dụng mới có tính thực tiển, phù hợp với người dân, doang nghiệp...

“Trên quan điểm của một chuyên gia kinh tế, tôi không đồng tình trước đề xuất này của Sở Xây dựng. Bởi, những đề xuất phải dựa trên cơ sở khoa học, dựa vào các nghiên cứu báo cáo khả thi cũng như sự đồng thuận của dân thì lúc đó mới được áp dụng”, TS Lê Bá Chí Nhân nói. 

Do đó, đề án chưa được UBND TP.HCM phê duyệt trong năm 2020 và nay Sở Xây dựng TP.HCM trình lại đề án, trong đó đề xuất áp dụng từ năm 2021 – 2025.

Hà Lan

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường