Từ phản ánh của các cơ quan báo chí về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông Lô đoạn chảy qua địa phận xã Trường Sinh, ngày 20/9, UBND huyện Sơn Dương đã có công văn số 2392/UBND-TNMT về công tác quản lý, khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Trường Sinh.
Nội dung văn bản đề nghị Tổ trưởng tổ công tác 7552 huyện Sơn Dương phối hợp với Công an huyện Sơn Dương, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Dương, UBND xã Trường Sinh xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông Lô đoạn chảy qua địa phận xã Trường Sinh. Văn bản do ông Hoàng Hải Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương ký ban hành.
Trong công văn, UBND huyện Sơn Dương yêu cầu Tổ trưởng tổ công tác 7552 chủ trì, phối hợp với UBND xã Trường Sinh tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên lòng sông Lô. Lập hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, khai thác khoáng sản ngoài phạm vi được cấp phép, sử dụng phương tiện không đúng quy định,…
UBND huyện Sơn Dương cũng yêu cầu UBND xã Trường Sinh phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Sơn Dương phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Trường Sinh.
Thông qua văn bản số 2392 UBND huyện Sơn Dương đã thể hiện sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Sơn Dương nói chung, địa bàn xã Trường Sinh nói riêng. Thế nhưng, sự quyết liệt của chính quyền huyện Sơn Dương có hiệu quả đến đâu?
Trên thực tế tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Trường Sinh vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Theo phản ánh của người dân, sau khi UBND huyện Sơn Dương ban hành văn bản số 2392 ngày 20/9 tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Trường Sinh vẫn diễn ra, thậm chí còn rầm rộ hơn trước.
Cụ thể, người dân phản ánh, trên địa bàn Khu 6 xã Trường Sinh, từ đầu tháng 9 đến ngày trưa ngày 4/10 thường xuyên có các tàu cuốc hoán cải khai thác cát, sỏi trên lòng sông Lô. Các phương tiện này khái thác cách bờ chỉ từ 10-15 m.
Các tàu này không chỉ tiếp tục cắm thẳng vào soi bãi của người dân để khai thác cát, mà còn tiến hành khai thác ngoài giờ, ngoài phạm vi được cấp phép. Tình trạng khai thác ngoài giờ không chỉ diễn ra ngày một, ngày hai mà diễn ra liên tục trong thời gian dài.
Liên quan đến tình trạng khai thác cát, sỏi có dấu hiệu trái phép trên lòng sông Lô, Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Giang Tuấn Anh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương vào các ngày 2 và 4/10 nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi của ông này.
Phóng viên cũng đã phản ánh sự việc đến ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Qua điện thoại, ông Sơn cho biết sẽ yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông Lô đoạn chảy qua địa phận xã Trường Sinh.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, sau khi được Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường thông tin lại sự việc, ông Phạm Mạnh Duyệt – Giám đốc Sở cho biết sẽ cử cán bộ xuống phối hợp kiểm tra, xử lý thông tin phóng viên phản ánh.
Cũng theo ông Duyệt thì hiện đơn vị đang tiến hành tổng hợp số liệu hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND tỉnh Tuyên Quang kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang.
Trước đó, kết luận Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đánh giá, về quản lý khoáng sản, một số đơn vị còn khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vượt công suất quy định, thiết bị chưa được đăng ký, đăng kiểm. Đồng thời, còn nhiều bến bãi tập kết khoáng sản (cát, sỏi) trái phép, nhiều vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép... chưa được xử lý dứt điểm, còn để tái diễn.
Một số doanh nghiệp được cấp phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và yêu cầu của các cơ quan chức năng, chậm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định, như: Hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, chuyển đổi đối với các phương tiện, thiết bị khai thác và vận chuyển cát, sỏi theo quy định; Một số chưa cắm (hoặc chưa cắm lại) đầy đủ, đúng quy cách mốc giới, thả phao tiêu xác định ranh giới khu vực khai thác; Khai thác ngoài thời gian quy định...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, các hạn chế, yếu kém nêu trên đã được đề cập tại các thông báo kết luận các kỳ họp về quản lý khoáng sản và chưa được tổ chức thực hiện triệt để.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép; Không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông; Không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… “Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép, bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí, có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm. |