Biến đổi khí hậu đã làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến trên khắp thế giới và các đợt nắng nóng trên biển cũng không ngoại lệ.
Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Hiệp hội Sinh học Biển (MBA) ở Anh và Phó Giáo sư Alex Sen Gupta từ Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu của UNSW, đã chỉ ra rằng các tác động sinh thái của sóng nhiệt biển thường dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn và ảnh hưởng rộng hơn đến xã hội trên toàn thế giới.
Theo đó, số ngày nắng nóng hàng năm trên các đại dương toàn cầu đã tăng 54% trong thế kỉ qua, với 8 trong số 10 đợt nắng nóng cực đoan nhất từng được ghi nhận xảy ra sau năm 2010.
Để giúp thu hẹp khoảng cách bằng chứng đó, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các phản ứng sinh học đối với 34 đợt sóng nhiệt biển xảy ra trên tất cả các lưu vực đại dương chính và xem xét các tác động kinh tế xã hội liên quan. Họ phát hiện ra rằng hầu hết các hoạt động dẫn đến mất nguồn lợi thủy sản, phá hủy rừng tảo bẹ hoặc môi trường sống của cỏ biển, dẫn đến cái chết hàng loạt của động vật hoang dã, gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho nhiều ngành công nghiệp.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Katie Smith từ MBA cho biết, thiệt hại kinh tế của hiện tượng sóng nhiệt biển đơn lẻ cho đến nay vượt quá 800 triệu USD so với thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp gây ra. Ngoài ra, các chi phí thực sự có thể còn lớn hơn vì nhiều tác động kinh tế xã hội vẫn chưa được xem xét đến, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp hơn.
Chẳng hạn, đợt nắng nóng Ningaloo Niño tấn công bờ biển Tây Úc vào năm 2011 đã dẫn đến việc tảo bẹ mất đi hàng loạt và liên tục, đóng cửa nghề cá và sự xâm lấn của các loài nhiệt đới vào vùng biển ôn đới.
Bên cạnh đó, việc mất môi trường sống ven biển như đồng cỏ biển và rừng tảo bẹ ảnh hưởng đến nghề cá, du lịch và khả năng lưu trữ carbon tự nhiên. Trong các đợt nắng nóng ở biển, nhiệt độ đại dương có thể trở nên cao đến mức một số loài bị căng thẳng hoặc thậm chí chết, do đó có thể ảnh hưởng đến mạng lưới thức ăn và tác động đến các loài săn mồi cao hơn, gây nguy hiểm cho sư tử biển và chim biển và dẫn đến tổn thất tài chính lớn cho nghề cá và du lịch.
Hành động khí hậu cần thiết ngay bây giờ
Mặc dù nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trên toàn cầu, nhưng nó đặc biệt liên quan đến Australia, giáo sư Sen Gupta nhận định.
Một tỉ lệ đáng kể các đợt nắng nóng mà được nghiên cứu trong báo cáo đã xảy ra ở Australia. Vụ tẩy trắng và chết hàng loạt ở rạn san hô Great Barrier xảy ra năm 2016-2018 đã gây ra những hậu quả to lớn. Rạn san hô này được định giá 4,2 tỉ USD hàng năm, với tổng giá trị ước tính khoảng 41 tỉ USD nhưng thiệt hại kinh tế liên quan đến việc tẩy trắng vẫn chưa được biết đến.
Trong khi đó, biển Tasman ngoài khơi Tasmania cũng đã chứng kiến chuỗi các đợt nắng nóng gần đây đang ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản và nghề cá của địa phương. Đây là một điểm nóng về sự ấm lên của đại dương, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh hơn từ 2-3 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, những đợt nắng nóng trên biển đã trở nên dài hơn và diễn ra thường xuyên hơn trong thế kỉ qua, do các đại dương đã hấp thụ lượng nhiệt dư thừa từ khí quyển và trở nên ấm hơn đáng kể.
Tiến sĩ Dan Smale, thành viên nghiên cứu MBA cho biết, với sự thay đổi khí hậu do con người gây ra, các đại dương sẽ tiếp tục ấm lên, dẫn đến các đợt sóng nhiệt đại dương dữ dội và thường xuyên hơn.
Chính vì vậy, hành động toàn cầu để giải quyết biến đổi khí hậu là cần thiết để giảm thiểu tác động của các hiện tượng nóng lên cực độ đối với các hệ sinh thái biển trong những thập kỉ tới.
Theo giáo sư Sen Gupta, Hội nghị thượng đỉnh COP26 sắp tới tại Glasgow sẽ là thời điểm quan trọng mà thế giới sẽ vạch ra con đường quyết định nhiệt độ sẽ tăng thêm bao nhiêu. Điều này sẽ xác định mức độ thiệt hại do sóng nhiệt biển gây ra trong những thập kỉ tới.