Sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm phát thải gần 1 triệu tấn CO2 mỗi năm

Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam đã tiết kiệm được 1,18 triệu MWh/năm và giảm phát thải khí nhà kính mỗi năm gần 1 triệu tấn CO2.
Tiết kiệm năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vữngTiết kiệm năng lượng - Câu chuyện không chỉ riêng nước nghèo [Bài 2]Giải pháp bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mớiHoàn thiện chính sách, giám sát nguồn lực cho phát triển năng lượng

Tiết kiệm năng lượng hàng năm đạt 1,18 triệu MWh

Tiết kiệm năng lượng được coi là giải pháp hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng bền vững của nước ta. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam xác định tiết kiệm năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững và cần được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, “kinh tế nhất”, “rẻ nhất” để tăng cường nguồn cung năng lượng; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. Và con số này sẽ lên trên 80% vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.

Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (Dự án VEEIE) được triển khai từ năm 2018 đến năm 2022 với tổng kinh phí thực hiện sau điều chỉnh là 54,6 triệu USD. Trong đó, 52,9 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế hỗ trợ cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp và 1,7 triệu USD vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế do Bộ Công Thương quản lý để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án. Nhằm cải thiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho các ngành công nghiệp góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm phát thải gần 1 triệu tấn CO2 mỗi năm - Ảnh 1
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, mỗi năm giảm phát thải khí nhà kính gần 996.000 tấn CO2, vượt 8,5% so với kế hoạch đề ra.

Theo đó, sau 4 năm thực hiện, 2 hợp phần của Dự án đều được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ. Hơn 100 doanh nghiệp đã được cung cấp, tiếp cận thông tin dự án trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đã được nhận hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ dự án như đánh giá hiệu quả vận hành, tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tính toán hiệu quả đầu tư cũng như đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tham gia vào dự án, các doanh nghiệp đã tiếp cận được với nguồn vốn vay đầu tư để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm ổn định cho người lao động; các ngân hàng tham gia dự án nhận được các hỗ trợ về sàng lọc, nhận diện các dự án tiết kiệm năng lượng, tính toán mức tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, đánh giá tính khả thi cũng như phân tích kinh tế và tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

“Về tổng thể, dự án đã đạt được hoặc vượt so với mục tiêu và kết quả đặt ra: Lượng năng lượng tiết kiệm được hàng năm đạt 1,18 triệu MWh/năm, vượt 72,5% so với kế hoạch đề ra và lượng phát thải khí nhà kính tránh được hàng năm đạt khoảng 996.000 tấn CO2/năm, vượt 8,5% so với kế hoạch đề ra” - Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết.

Tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có chi phí thấp nhất

Chuyển dịch năng lượng bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là một trong những ưu tiên hàng hàng đầu của WB tại Việt Nam. Theo ông Chu Bá Thi, Chuyên gia năng lượng cao cấp - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần tích hợp ở mức cao các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt phải thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.

Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng quốc tế, các giải pháp hiệu quả năng lượng có thể tránh được 40-50% tổng lượng phát thải ở Việt Nam. Với nghiên cứu của WB, nếu Việt Nam thực hiện toàn diện các giải pháp pháp tiết kiệm năng lượng có thể tránh không phải xây dựng khoảng 13GW các nguồn phát mới.

Ngoài ra, các giải pháp tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có chi phí thấp nhất chỉ bằng 1/4 chi phí xây dựng các nguồn phát mới. Đặc biệt với các giải pháp tiết kiệm năng lượng cùng với các chương trình quản lý nhu cầu năng lượng sẽ làm giảm chi phí đáng kể của hệ thống điện do giảm công suất đỉnh mà phải sử dụng các nguồn phát linh hoạt đắt đỏ.

“Trong bối cảnh tình hình bất ổn về địa chính trị cùng với đó là khủng hoảng toàn cầu về năng lượng đã làm cho giá năng lượng tăng cao, tiết kiệm năng lượng lại càng trở lên quan trọng hơn, không những góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu mà còn giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế do giảm chi phí năng lượng, phát triển xanh bền vững và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Chu Bá Thi chia sẻ.

Cũng theo ông Chu Bá Thi, trong những năm qua WB đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng các cơ quan của Chính phủ thực hiện nhiều chương trình, dự án bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách và các dự án tài trợ tài chính nhằm thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam. Dự án Tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam là 1 dự án thí điểm có quy mô lớn nhất về đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Từng chia sẻ về vấn đề tiết kiệm năng lượng, ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, nhiều các doanh nghiệp đã có nhận thức tốt về những lợi ích và sự cần thiết của các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đặc biệt, với thách thức về vấn đề đảm bảo nguồn cung ứng điện trong thời gian tới, đây chính là yếu tố liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ngoài ra, từ năm 2025 trở đi Việt Nam sẽ có những bước tiến đầu tiên trong thị trường carbon. Ban đầu, thường sẽ mang tính chất tự nguyện, vậy làm sao để các doanh nghiệp tham gia, từ đó nhận thấy những lợi ích khi áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng mang lại. Đồng thời, ngoài tiêu chí carbon, cần có những hệ thống như nhãn carbon, nhãn sinh thái… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp.

Lan Anh