Khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai
Dự án Luật lấy ý kiến của Quốc hội lần thứ hai và được Nhân dân quan tâm với hơn 12 triệu ý kiến góp ý cho dự án, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh sửa theo hướng định hướng, chủ trương của Nghị quyết 18 của Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Đồng thời, việc sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết những vấn đề định hướng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước, của quốc gia, cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Dự án luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nhiều, nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội rà soát thật kỹ, bởi những vấn đề sửa đổi lần này phải tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn.
"Khi sửa đổi dự án Luật Đất đai, điều quan trọng nhất phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Tất nhiên không thể đòi hỏi lần sửa đổi này bao quát, xử lý hết các vướng mắc từ thực tiễn. Song, chúng ta phải cố gắng giải quyết tối đa các vướng mắc, bất cập đang phải xử lý trong việc khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai - nguồn lực rất quan trọng để phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi luật này được thông qua sẽ góp phần rất quan trọng giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư.
Đảm bảo lợi ích nhân dân
Trao đổi với đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh thông tin, dự án Luật phải đảm bảo quan điểm là đảm bảo các định hướng là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Với điều kiện như vậy, trong dự án Luật phải giải quyết được vấn đề như thế nào để đảm bảo yêu cầu sở hữu và quyền sở hữu? “Đó là thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sở hữu đất, định giá đất… các chính sách về đất đai… những vấn đề này trong Luật phải giải quyết được rõ ràng” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.
Với dự án Luật, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kỳ vọng việc quản lý và sử dụng đất thì phải đảm bảo được lợi ích của nhân dân, và bên cạnh đó phải nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết các bất cập. Muốn làm được điều đó phải có được cơ sở dữ liệu từ đó sẽ quản lý và điều hành tốt cả về diện tích, hiệu quả nguồn lực đất đai về kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng… và dự án Luật sẽ là cơ sở cho chúng ta đạt được mục tiêu này.
Thêm vào đó, tại Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế 1 điều quy định riêng về chính sách ưu tiên về đất đai đối với đồng bào. Đặc biệt là chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất đối với mục đích đất ở khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với đất trong hạn mức đất khi được cấp giấy chứng nhận đất lần đầu trong chuyển đổi mục đích từ đất không phải là đất sản xuất sang đất ở.
Đây cũng là chính sách được quy định tại Điều 11, Điều 12 của Nghị định 45 của Chính phủ quy định về thu tiền đất, tuy nhiên Nghị định mới chỉ cho phép áp dụng những trường hợp do tách hộ và quy định 2 mức là: miễn sử dụng đất đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các địa bàn còn lại.
Đại biểu đề nghị nâng tầm đưa vào quy định trong dự thảo Luật Đất đai, mở rộng đối tượng cho phép áp dụng đối với các trường hợp được tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất về miễn giảm, giảm sử dụng đất phù hợp với vùng đồng bào đặc biệt khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian dài, vừa phải xử lý những vấn đề bất cập trước đây, vừa giải quyết việc hiện tại nhưng phải có tầm nhìn trong tương lai.
Vì vậy, Thủ tướng mong đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, đầu tư thêm thời gian, công sức, chắt lọc từ hàng nghìn trang tài liệu, hàng triệu ý kiến nhân dân để xây dựng Luật chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý để hoàn thiện dự án luật rất quan trọng này.
Lan Anh